Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung thẩm quyền điều tra của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh cơ chế thanh tra, giám sát hiện nay.

Thảo luận chiều 10/6, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng không nên quy định quyền này. Thay vào đó, ông Trung đề nghị bổ sung quyền của Ngân hàng Nhà nước trong hạn chế hành vi lạm quyền từ cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cùng đó, dự luật cần bổ sung biện pháp ngăn ngừa việc lách luật sử dụng nhiều cá nhân khác đứng tên cổ phần nhóm cổ đông lớn để điều hành tổ chức tín dụng.

Ông Trung đánh giá tình trạng sở hữu chéo, thao túng trong ngân hàng vẫn "đáng lo ngại", nhất là huy động vốn cho vay giữa các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Theo ông, dự thảo luật giảm điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, giúp cơ cấu cổ đông ngân hàng lành mạnh hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh HĐQT để điều hành, nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động ngân hàng.

Nguyen-Hai-Trung-10-6-jpeg-1158-1686389692.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EG4hfK-3mzmrpcmm7whjqA

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM cũng nói cần cẩn trọng xem xét khi tăng thêm quyền điều tra của Ngân hàng Nhà nước. Bởi, các thiết chế hiện nay đã đủ công cụ điều tra vi phạm trong hoạt động ngân hàng.

"Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước trong quá trình giám sát phát hiện vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra chuyên trách sẽ hợp lý hơn", bà nói.

Quan điểm ngược lại, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng cần thiết đặt lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động tín dụng mang tính độc lập.

Ông phân tích, sở hữu chéo là thực trạng "ai cũng biết, nhưng để điểm mặt chỉ tên, địa chỉ cụ thể rất khó". Tuy nhiên, chính sách đang thiết kế vẫn chưa đủ mạnh, giải pháp mang tính thụ động, như chỉ giảm tỷ lệ cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng.

"Không nhất thiết giảm cổ phần, room cấp vốn, thậm chí có thể cho phép sở hữu ở mức cao hơn, nhưng cần thiết chế quản lý được để tổ chức cá nhân không thể sử dụng tài sản chéo với công ty của mình", ông An nói.

Ông An nhắc lại sự việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng Sài Gòn - SCB năm ngoái, hay trường hợp của Mỹ có hệ thống ngân hàng mạnh vẫn để xảy ra các trường hợp đổ vỡ. Do đó, ở lần sửa này dự luật cần bổ sung thêm quy định về phòng ngừa rủi ro hệ thống, để khi xảy ra sự cố, hệ thống có thể chống đỡ hiện nay.

Ông thông tin thêm, hiện đã có quốc gia tái lập cơ quan này sau thời gian dừng vận hành để "siết" lại hoạt động các nhà băng sau thời gian phát triển nóng.

Trinh-Xuan-An-10-6-jpeg-7629-1686389693.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_KM5mF8i4U6YFlZO-Vzp0g

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh. Ảnh: Hoàng Phong

Về cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm, dự thảo luật quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng.

Tuy nhiên, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung cũng cho hay thực tế tội phạm công nghệ cao, đánh bạc, rửa tiền trên không gian mạng rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau các vụ việc, lực lượng công an ngay lập tức truy xét dòng tiền, phong tỏa tài khoản. "Nhưng với các quy định hiện hành, các đối tượng ngay lập tức chuyển tiền đi rất nhanh nên tỷ lệ thu hồi được tiền rất ít", ông nêu.

Giám đốc Công an Hà Nội cũng đề nghị rút ngắn thời gian phong tỏa tài khoản, có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết nội dung này.

Tuy nhiên, ông Trương Trọng Nghĩa, TP HCM cho rằng chỉ nên quy định yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng liên quan vụ án đang được khởi tố, điều tra. Nội dung cung cấp cũng là những thông tin cần thiết cho việc điều tra. Việc này, ông Nghĩa nói, để đảm bảo quyền, bí mật đời tư của khách hàng.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022