Kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối 2023 chỉ ra nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió) vận hành thương mại (COD) trước khi có văn bản chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu của cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có 173 nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới gặp tình huống này.
Vừa qua, một nhóm lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước sở hữu hơn 44 dự án điện tái tạo, cùng các hiệp hội năng lượng, đã gửi kiến nghị lần 2 lên Chính phủ phản ánh vướng mắc trong việc xác định COD và giá điện. Các dự án này được công nhận COD trước hoặc trong năm 2021, nhưng thời điểm đó chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu từ cơ quan chức năng.
Kiến nghị lần đầu được các nhà đầu tư gửi lên Chính phủ vào tháng 3, phản ánh việc nhiều dự án bị trì hoãn thanh toán vô thời hạn hoặc thanh toán một phần từ tháng 9/2023.
Tại các buổi làm việc sau đó, các nhà đầu tư này cho biết Công ty mua bán điện (EPTC - đơn vị thuộc EVN) đề xuất tạm thanh toán theo giá FIT hoặc giá trần của khung giá chuyển tiếp, tính từ thời điểm có văn bản nghiệm thu. EPTC đề xuất các bên sẽ sửa lại hợp đồng và thực hiện thanh quyết toán tiền điện sau khi có hướng dẫn hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, theo các nhà đầu tư, EVN cũng đề nghị Chính phủ sửa hợp đồng, hồi tố ngày COD theo ngày được nghiệm thu để điều chỉnh lại mức giá FIT tương ứng.
Hiện, giá bán điện ưu đãi theo FIT1 là 9,35 cent một kWh, FIT2 là 7,09 cents và giá trần cho các dự án chuyển tiếp là 1.184,9 đồng. Việc xác định lại theo thời điểm có biên bản nghiệm thu dẫn đến trường hợp giá bán điện mà các doanh nghiệp được tính thấp hơn so với mức quy định trong hợp đồng mua bán.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương vào tháng 4, có 25 nhà máy năng lượng mặt trời đang thanh toán theo FIT1 sẽ tạm thanh toán theo FIT2; 93 nhà máy năng lượng mặt trời và 14 nhà máy năng lượng gió chuyển từ giá FIT sang giá trần chuyển tiếp.
Các nhà đầu tư phản đối, cho rằng đề xuất này vi phạm hợp đồng và pháp luật hiện hành. Họ khẳng định không có cơ sở pháp lý để tạm giữ lại một phần tiền mua bán điện, áp dụng biểu giá tạm thời trái với thỏa thuận trước đó hay đề nghị nhà đầu tư ký sửa hợp đồng mua bán.
Trước đó, họ cũng cho rằng tại thời điểm COD, quy định pháp lý chưa yêu cầu phải có văn bản nghiệm thu để được hưởng giá FIT. Yêu cầu này chỉ được bổ sung sau trong Thông tư 10/2023. Do đó, việc thiếu văn bản nghiệm thu, theo nhà đầu tư, là vi phạm hành chính theo pháp luật xây dựng chỉ dẫn đến xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả. Điều này không làm thay đổi thực tế dự án đã đáp ứng các điều kiện COD tại thời điểm đó.

Dự án Điện mặt trời 450 MW Thuận Nam kết hợp TBA và đường dây 500kv do Trungnam Group làm chủ đầu tư. Ảnh: Trungnam Group
Từ tháng 1, EPTC bắt đầu giữ lại một phần tiền điện, áp dụng biểu giá tạm thời. Nhà đầu tư cho rằng điều này vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng, trái với Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị - vốn yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thực hiện đúng cam kết tài chính với doanh nghiệp tư nhân.
Họ cũng dẫn Nghị quyết 233 ngày 7/12/2024 của Chính phủ, nhấn mạnh nguyên tắc bảo vệ quyền lợi bên thứ ba ngay tình - người tham gia giao dịch một cách trung thực, thiện chí và không biết và không thể biết có sai phạm về mặt pháp lý. Tức là, theo các nhà đầu tư, họ vốn không có thẩm quyền công nhận COD. Vì vậy, sự bất đồng ý kiến về điều kiện COD và hưởng giá FIT, không thể và không nên gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư - là bên thứ ba ngay tình.
Việc giữ lại tiền điện được nhóm nhà đầu tư cho là gây ảnh hưởng đến dòng tiền, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và tính khả thi của các dự án và hoạt động kinh doanh. Trường hợp bị hồi tố giá FIT trong giai đoạn trước, họ ước tính thiệt hại lên tới 13 tỷ USD, tức mất trắng vốn chủ sở hữu. Trong số đó, 4 tỷ USD đến từ nhà đầu tư nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu.
Các nhà đầu tư cảnh báo điều này sẽ dẫn tới mất ổn định pháp lý, suy giảm niềm tin vào môi trường đầu tư và khả năng phát sinh tranh chấp quốc tế theo các hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký.
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, EVN xác nhận đang tạm thanh toán tiền điện và dẫn chỉ đạo từ Bộ Công Thương về yêu cầu xác định lại giá với các dự án không đủ điều kiện hưởng FIT. Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất những dự án không đáp ứng đủ điều kiện sẽ phải xác định lại giá mua bán điện, thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã hưởng không đúng qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
EVN thừa nhận họ không đủ cơ sở để đánh giá đầy đủ tác động đến kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư trong nước và quốc tế. Tập đoàn này đề nghị nhà điều hành có đánh giá từ các cấp cao hơn.
"Bộ Công Thương xem xét, phối hợp với các bộ liên quan để đánh giá tổng thể, từ đó quyết định phương án tối ưu để chỉ đạo và hướng dẫn EVN thực hiện", báo cáo của EVN đề nghị.
Tại các biên bản làm việc và văn bản chính thức sau đó, các chủ đầu tư đều đề cập và bảo lưu quyền khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp tạm thanh toán. Do đó, EVN cho rằng rủi ro về khiếu kiện, tranh chấp, gồm khiếu kiện quốc tế, hoàn toàn có thể xảy ra ở quy mô lớn.
Về phía các nhà đầu tư, họ tiếp tục kiến nghị giữ nguyên ngày COD đã được EVN công nhận, thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo hợp đồng mua bán điện, không hồi tố quy định mới. Họ cam kết chấp hành xử phạt hành chính hợp pháp nếu có, nhưng nhấn mạnh cần đảm bảo công bằng, tính ổn định pháp lý và cam kết nhất quán với định hướng phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia.
Phương Dung