Từ nhiều năm nay, quận 1 vẫn được xem là "trái tim" của TP HCM - nơi tập trung dày đặc các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống, nhịp sống nơi đây dường như chững lại.
Bar - pub từng là dịch vụ đêm phổ biến với các du khách tại trung tâm thành phố, nay cũng đang bão hòa, theo Lê Ngọc Minh, Đồng sáng lập Dot Bar. Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, anh nhận ra khách hàng ngày càng có xu hướng tìm kiếm các trải nghiệm khác biệt, nếu quán không có cá tính riêng thì khó thu hút.
Vì thế, từ 2024, Dot Bar bắt đầu thử nghiệm đưa nghệ thuật hát bội vào biểu diễn. "Trước giờ mọi người nghĩ các hoạt động giải trí trong quán bar khó gắn với những thứ truyền thống, nhưng chúng tôi đã nghĩ ra cách để có thể đưa văn hóa Việt vào được", Minh nói. Đến nay, quán đã tổ chức 3 kỳ, là một vở với kịch bản khác nhau, diễn trong nhiều buổi.

Một buổi diễn hát bội tại Dot Bar. Ảnh: Mai Trung
Minh cho biết hơn 30% khách đến quán là người nước ngoài. Trong khi, hiệu ứng tốt còn giúp khách Việt quay lại tìm hiểu nghệ thuật truyền thống. Nhiều người quan tâm giúp nhà hát Nghệ Thuật Hát Bội TP HCM thường kín lịch diễn. Cách làm này cũng lan tỏa đến cộng đồng dịch vụ du lịch đêm.
Đơn cử, đầu năm nay, tour buýt sông hai tầng "Saigon River Sightseeing" tổ chức hát bội tối thứ 7 hàng tuần. Hai ngày đầu ra mắt 10-11/1, các suất đều kín chỗ, trong đó nhiều du khách nước ngoài lần đầu tiếp xúc với loại hình này.
Cần quy hoạch mô hình bài bản
Hiệu ứng tốt nhưng những ý tưởng thổi làn gió mới vào dịch vụ đêm của trung tâm TP HCM như Dot Bar hay Saigon River Sightseeing chưa nhiều. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành nền tảng du lịch Klook tại Việt Nam, kinh tế đêm vẫn mới "phát triển tự phát" và thiếu các hoạt động sáng tạo nên nhìn chung còn rất cơ bản so với các thành phố sôi động về đêm khác trên thế giới.
Đơn cử, chỉ so với Bangkok (Thái Lan), dãy sản phẩm đêm nơi đây cũng có 5 nhóm chính: các quán bar theo chủ đề, chủ điểm, chơi các thể loại nhạc khác nhau; các show ca nhạc, nghệ thuật đỉnh cao định kỳ; các tour ẩm thực đường phố đêm; các chuỗi spa/massage/chăm sóc sắc đẹp và các tour sông nước, văn hóa đêm.
Xét triển vọng, quận 1 (TP HCM) có đủ không gian và năng lực để phát triển cả 5 nhóm này với bản sắc riêng. "Nhưng thiếu quy hoạch và hạ tầng phù hợp, quận 1 chưa thể 'mở khóa' tiềm năng tỷ USD cho kinh tế ban đêm", ông Hoàng nhận xét.
Điều này dẫn đến tiềm năng sẵn có cũng "đi ngủ" khi đêm xuống. Ví dụ như các dịch vụ đóng cửa sớm, không gian công cộng thiếu các hoạt động văn hóa lớn, sông Sài Gòn chưa được khai thác hết tiềm năng.
Thực hiện soạn thảo đề án phát triển kinh tế ban đêm tại quận 1, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) cũng ghi nhận vài khu vực tại đây đã phát triển các cụm kinh doanh ban đêm nhưng chưa có mô hình quản lý hiệu quả, làm phát sinh tiếng ồn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chèo kéo khách.

Đề xuất các trục động lực và cụm chức năng cho kinh tế đêm quận 1 của HIDS. Đồ họa: HIDS
Vì vậy, để tổ chức kinh tế đêm bài bản, có định hướng phát triển và mô hình quản lý chuyên nghiệp, HIDS đề xuất mô hình "3 trục động lực" và "6 cụm chức năng". Các trục động lực đóng vai trò xương sống, trong khi các cụm chức năng sẽ liên kết vào các trục để cùng tạo thành hệ sinh thái.
Cụ thể, trục văn hóa - thương mại liên kết các tuyến phố đi bộ và trung tâm mua sắm, nghệ thuật như Phạm Ngọc Thạch, Công Xã Paris, Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Trục xanh lấy công viên 23/9 làm điểm nhấn, là không gian cho các hoạt động văn hóa - giải trí. Trục ven mặt nước từ Bến Bạch Đằng đến Ba Son khai thác du lịch ven sông, kết hợp thương mại, ẩm thực và sự kiện.
Trong quá trình triển khai, HIDS cho rằng cần tổ chức lại giao thông để điều phối phương tiện, thúc đẩy thói quen di chuyển hiện đại và bền vững. Đồng thời, thành phố cần xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động ban đêm cho các cơ sở tham gia để chính quyền quản lý - hỗ trợ chính sách; giúp người dân - du khách dễ tìm kiếm địa chỉ uy tín; nâng cao danh tiếng doanh nghiệp.
Tập trung điểm nhấn ven sông Sài Gòn
Nhận định với VnExpress, một số chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh tại quận 1 đồng tình với mô hình của HIDS. Nhưng khi bắt tay triển khai, họ cho rằng nên ưu tiên tập trung trước vào các hạng mục tạo điểm nhấn cao như khu vực ven sông.
Ông Lars Kerfin, Tổng giám đốc khách sạn Le Méridien Sài Gòn, nói những khu vực ven sông vốn có sức hút đặc biệt với người dân lẫn du khách, ví dụ như The Bund (Thượng Hải), Clarke Quay (Singapore), Asiatique và IconSiam (Bangkok).
"Phát triển và nâng tầm khu vực ven sông với các lễ hội ẩm thực, chợ đêm hàng tuần, cùng không gian mở để đi dạo, thư giãn và giao lưu sẽ giúp đời sống về đêm của quận 1 sôi động hơn", ông Lars góp ý.
HIDS cũng khuyến nghị 8 mô hình thí điểm. Trong đó, Bến Bạch Đằng định hướng thành tổ hợp văn hóa - du lịch ven sông với bến thủy đa năng, công viên tổ chức sự kiện, không gian ánh sáng và ẩm thực. Khu vực này có điểm nhấn cầu đi bộ 720 m hình lá dừa nước sẽ khánh thành năm sau. Một số ý tưởng bổ sung như bố trí kiosk di động và cầu tàu bằng gỗ để phục vụ hoạt động đêm.
Trước đó, trong buổi làm việc với UBND quận 1 vào tháng 3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được gợi ý địa phương trước mắt có thể xây dựng phương án thí điểm dọc sông Sài Gòn, từ cầu Ba Son đến Bến Nhà Rồng.

Bến Bạch Đằng, quận 1 vào tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Ở khu vực ven sông này, ông Nguyễn Huy Hoàng cho rằng các show ca nhạc, nghệ thuật đỉnh cao diễn ra định kỳ theo tuần/tháng/năm sẽ tạo tên tuổi cho thành phố. Một số địa phương cũng đã dần làm được, như Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng hay show thực cảnh "Ký ức Hội An".
Với các sự kiện lớn để hút khách, HIDS đề xuất hoạt động nghệ thuật, ẩm thực, không gian tổ chức tập trung ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên 23/9. Riêng chợ Bến Thành cải tạo thành không gian kết hợp triển lãm văn hóa - lịch sử ở trung tâm chợ và các vòng sạp bên ngoài bán đặc sản địa phương, phục vụ ẩm thực.
Chuyên nghiệp hóa hạ tầng và quảng bá
Ngoài các ý tưởng mới, kinh tế đêm quận 1 cũng cần giải quyết các vấn đề cũ và quảng bá hình ảnh chuyên nghiệp. Theo khảo sát của HIDS, 24% doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về tình trạng cướp giật, xô xát, tệ nạn. Cơ sở hạ tầng cũng hạn chế như thiếu bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng và hệ thống thu gom rác, khiến trải nghiệm du khách chưa trọn vẹn. Khi nêu ý tưởng nâng cấp khu bờ sông, ông Lars Kerfin cũng lưu ý điều quan trọng là "dễ tiếp cận, sạch sẽ, an toàn".
Song song đó, khi kinh tế đêm là hướng phát triển được các thành phố du lịch khác ở Việt Nam và nhiều đô thị lớn ngày càng quan tâm, TP HCM cũng cần cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực kích cầu và quảng bá thương hiệu.
Theo ông Hoàng từ Klook, cần có chính sách ưu đãi như miễn/giảm phí sử dụng lòng/lề đường cho các hoạt động kinh tế đêm, giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực này. "Điều đó sẽ khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư vào các dịch vụ đêm như ẩm thực, văn hóa, giải trí và mua sắm", ông nói.
Ông Lars Kerfin của Le Méridien Sài Gòn cũng cho rằng nên xem xét và giảm bớt rào cản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, giúp họ có sự ổn định để lên kế hoạch dài hạn và hợp tác chặt chẽ với chính quyền. Trong khảo sát của HIDS, một số đơn vị cho biết rất muốn kéo dài thời gian kinh doanh đến 4h-6h sáng hôm sau.
Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty lữ hành Vietluxtour, TP HCM cần chiến lược định vị và quảng bá du lịch đêm đồng bộ. Tương tự, Marcelo Geraldini, Bếp trưởng kiêm Giám đốc Bộ phận Ẩm thực & Đồ uống của khách sạn The Reverie Saigon khuyến khích địa phương tăng hợp tác với các cơ quan du lịch và nền tảng trực tuyến nhằm quảng bá trải nghiệm ban đêm.
"Nên phát triển các gói ưu đãi đêm khuya dành riêng cho khách du lịch và người dân địa phương tìm kiếm trải nghiệm cao cấp", ông bổ sung.

Khu vực quận 1 nhìn từ bán đảo Thủ Thiêm qua cầu Ba Son vào tháng 12/2024. Ảnh: Thanh Tùng
Và để triển khai quy hoạch hiệu quả, kinh tế đêm quận 1 cần một "nhạc trưởng". Đến nay, khoảng 80 thành phố trên thế giới có đơn vị chuyên trách về kinh tế đêm, thuộc chính quyền địa phương hay tổ chức độc lập.
Một số thành phố như New York, Paris, Edinburgh còn bổ nhiệm các "thị trưởng ban đêm". Gần đây, hôm 4/2, London cho biết sẽ thành lập một "Nhóm tác chiến ban đêm" (Night-time Taskforce) thay thế cho vị trí Thị trưởng Ban đêm (Night Czar), thu thập ý kiến chuyên gia về những vấn đề còn thách thức nhằm hỗ trợ đời sống đêm cũng như thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2022, kinh tế ban đêm góp khoảng 4,1% GDP Anh, tương đương 93,7 tỷ bảng. Trên toàn cầu, riêng thị trường dịch vụ giải trí ban đêm dự kiến đạt quy mô 184,5 tỷ USD vào 2026, theo nền tảng dữ liệu Statista (Đức).
Hiện quận 1 nói riêng và TP HCM nói chung chưa có một cá nhân, hoặc đơn vị chuyên trách cho việc thúc đẩy các chính sách phát triển và quản lý hoạt động kinh tế ban đêm. HIDS cho rằng trung tâm thành phố cần được trao thêm thẩm quyền trong việc định hướng, tham vấn và quyết định các vấn đề đặc thù trên địa bàn. Việc này nhằm giúp quận chủ động triển khai các mô hình thí điểm, tăng cường phối hợp các sở ngành, chọn lọc doanh nghiệp phù hợp và đẩy nhanh thu hút đầu tư, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả khi phát triển loại hình kinh tế này
Một chuyên gia gắn bó nhiều năm với TP HCM cũng đúc kết rằng, kinh tế đêm không chỉ là câu chuyện giải trí hay dịch vụ, mà là một phần chiến lược phát triển đô thị hiện đại. Nếu có quy hoạch rõ ràng, chính sách cởi mở và sự phối hợp hiệu quả giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân, quận 1 hoàn toàn có thể trở thành "mỏ vàng" của TP HCM, với nền kinh tế "sống động cả ngày lẫn đêm".
Viễn Thông - Bích Phương