Bệnh nhân nhập viện hồi tháng 6, trong tình trạng lơ mơ, không đáp ứng khi gọi và tụt huyết áp. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP HCM, kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm acid máu nghiêm trọng kèm tổn thương thận nặng. Bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục để cứu sống người bệnh.
Theo người nhà, ông đã tự mua thuốc không rõ nguồn gốc từ Bến Tre, trong đó có một gói thuốc không nhãn mác. Kết quả kiểm định phát hiện thuốc chứa phenformin - hoạt chất đã bị cấm tại Việt Nam và trên thế giới từ thập niên 1970.
Một trường hợp tương tự là nữ, 54 tuổi nhập Bệnh viện Thống Nhất vì lơ mơ và đau bụng sau khi uống thuốc viên được quảng cáo là "gia truyền 3 đời trị tiểu đường". Xét nghiệm xác định thuốc chứa phenformin và bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng - biến chứng có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sau ba ngày điều trị tích cực với hồi sức và lọc máu, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện. Người nhà cho biết bà uống thuốc dạng viên đựng trong túi nilon không nhãn mác, không rõ xuất xứ.
Tại Hà Nội, một người đàn ông 67 tuổi rơi vào hôn mê sau khi uống thuốc tiểu đường mua trên mạng. Bệnh viện 198 đã gửi mẫu thuốc đến Viện Pháp y Quốc gia xét nghiệm và phát hiện chứa độc chất.
Bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp và tiểu đường lâu năm. Trước đây, ông uống thuốc theo đơn bác sĩ kê. Ba tháng gần đây, ông tin vào quảng cáo về "bài thuốc gia truyền chữa khỏi hoàn toàn tiểu đường" nên tự ý mua về sử dụng. Các bác sĩ đã phải thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao và lọc máu liên tục. Sau 48 giờ, bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch và dần hồi phục.
Đây chỉ là ba trong số nhiều ca bệnh phải cấp cứu vì dùng thuốc tiểu đường trôi nổi chứa chất cấm.

Một bài quảng cáo thuốc tiểu đường "gia truyền" trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Bác sĩ Dương Minh Tuấn, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngộ độc thuốc tiểu đường không hiếm gặp. Hàng năm, các bệnh viện lớn tiếp nhận nhiều ca tương tự, một số trường hợp nhập viện muộn không thể cứu sống.
Theo thống kê của tạp chí Lancet, tỷ lệ mắc tiểu đường toàn cầu đã tăng từ 7% lên 14% chỉ trong ba thập kỷ, tương đương hơn 800 triệu người. Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh, hơn nửa số đó đã có biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Tỷ lệ mắc mới ở độ tuổi 20-79 tăng gấp ba lần từ năm 2000. Đáng lo ngại, khoảng 50% ca bệnh không được chẩn đoán do thiếu hiểu biết hoặc chủ quan. Trong bối cảnh đó, thị trường thuốc chữa tiểu đường trực tuyến phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
TS.BS Ngô Thị Kim Oanh từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cảnh báo nhiều sản phẩm mạo danh "thuốc gia truyền" được sản xuất thủ công, đóng gói sơ sài, không qua kiểm định chất lượng và không đăng ký với Bộ Y tế.
Khảo sát của VnExpress cho thấy việc tìm mua thuốc tiểu đường trên mạng rất dễ dàng. Chỉ cần vài giây tìm kiếm cụm từ như "mua thuốc trị tiểu đường", người dùng sẽ thấy hàng trăm nghìn kết quả.
Thuốc được bán dưới nhiều dạng: bột, lá, viên với đủ mức giá nhưng không thể xác minh nguồn gốc. Khách hàng chỉ cần chọn số lượng, điền thông tin cá nhân và phương thức thanh toán là nhận được thuốc trong vài ngày.
Các quảng cáo thường mang thông điệp: "Từ thảo dược tự nhiên", "Không tác dụng phụ", "Đã chữa khỏi hàng ngàn người", "Trị dứt điểm tiểu đường". Các nhóm trên mạng xã hội như "Hội những người tiểu đường" (50.000 thành viên) hay "Nhóm chia sẻ kinh nghiệm trị tiểu đường không cần đi viện" (250.000 thành viên) là nơi quảng bá phổ biến.
Các chế phẩm này thường do người không có chuyên môn y học hoặc đông y bào chế, dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Họ thường pha trộn nhiều thành phần với liều lượng không kiểm soát, gây ngộ độc cho người dùng. Nguy hiểm nhất là phenformin và glibenclamide - được thêm vào để tạo hiệu quả hạ đường huyết nhanh, đánh lừa niềm tin của bệnh nhân.
Phenformin đặc biệt nguy hiểm vì thuộc nhóm biguanide, cơ chế tương tự metformin nhưng độc tính cao hơn nhiều lần. Thuốc này từng được sử dụng ở Mỹ từ những năm 1950 nhưng đã bị cấm từ 1973 sau khi gây nhiều ca tử vong do nhiễm acid lactic.
Tại Việt Nam, phenformin vẫn được bào chế lén lút dưới dạng viên, thuốc tễ và bán trên mạng.
Người tiểu đường vốn đã có nguy cơ biến chứng tim mạch, thận và thần kinh. Khi dùng thuốc chứa chất cấm, họ còn đối mặt với suy hô hấp, tụt huyết áp, rối loạn tri giác, thậm chí tử vong nhanh chóng. Người có bệnh gan, thận hoặc bệnh mãn tính khác sẽ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn. Triệu chứng ngộ độc ban đầu thường không rõ ràng như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng hoặc cảm giác bệnh thuyên giảm giả tạo, khiến nhiều người chủ quan.
Các bác sĩ lý giải người bệnh tiểu đường thường mệt mỏi vì phải điều trị suốt đời nên dễ tin vào quảng cáo "thuốc thần kỳ". Nhiều người quan niệm rằng thuốc đông y từ thảo dược an toàn nên sử dụng kéo dài mà không cần giám sát y tế.

Một loại thuốc chữa tiểu đường tự xưng "gia truyền" quảng cáo trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Nghiên cứu của Viện Chính sách và Quản lý Y tế cho thấy 73% người Việt từng dùng thuốc truyền thống, nhưng chỉ 34% mua từ nguồn đáng tin cậy. Đáng lo ngại, 68% tin rằng thuốc thảo dược "không có tác dụng phụ".
Công tác quản lý còn nhiều sơ hở khi hầu hết người bán thuốc hoạt động tự phát, nhỏ lẻ và khó kiểm soát. Nhiều sản phẩm được người nổi tiếng, KOL và TikToker quảng bá, khiến người tiêu dùng dễ bị lừa. Các sàn thương mại điện tử tuy có quy định nhưng việc giám sát thực tế còn lỏng lẻo.
Các chuyên gia cho biết không thể phủ nhận hoàn toàn công dụng của thuốc gia truyền chính thống. Nhiều bài thuốc đông y đã được chứng minh hiệu quả và được cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, người bán thuốc phải hiểu rõ thành phần, liều dùng và chỉ định của bài thuốc.
Người dân muốn sử dụng thuốc đông y nên đến bệnh viện y học cổ truyền hoặc phòng khám uy tín, tránh mua thuốc trôi nổi trên mạng hoặc từ thầy lang tự xưng.
Bác sĩ Tuấn cho rằng tiểu đường là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn bằng vài viên thuốc "bí truyền". Nguyên tắc điều trị bao gồm chế độ ăn khoa học, duy trì cân nặng hợp lý, tập luyện đều đặn và dùng thuốc theo chỉ dẫn. Tự ý dùng sản phẩm không kiểm định có thể đe dọa tính mạng.
Bên cạnh đó, người bệnh cần thận trọng với quảng cáo trên mạng và không bỏ phác đồ điều trị đã được kiểm chứng. Cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán thuốc tiểu đường không rõ nguồn gốc để ngăn chặn những bi kịch đáng tiếc.
Mỹ Ý