Thông tin về một số nội dung đại biểu quan tâm về dự án sửa đổi Luật Quy hoạch sáng 28/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết việc sửa luật lần này chủ yếu phục vụ sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và chính quyền địa phương hai cấp.
Từ ngày 1/7, các tỉnh thành sẽ hoạt động theo mô hình mới, việc gấp rút sửa luật này là rất cần thiết nhằm triển khai các dự án ở địa phương. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp 34 tỉnh, thành điều chỉnh ngay được các quy hoạch ở tất cả các cấp. Đồng thời, dự luật đảm bảo nguyên tắc "quy hoạch đang được triển khai tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực".
Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của cấp, ngành. "Theo quy định hiện hành của Luật Quy hoạch hiện hành, phân cấp rất khó khăn, dưới địa phương thay đổi gì đều phải trình lên Chính phủ, Quốc hội", ông Thắng nói.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời ý kiến đại biểu ngày 28/5. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Gỡ được những vướng mắc trong quy trình, thủ tục xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh sẽ giúp 34 tỉnh, thành sau sáp nhập "gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn", đáp ứng yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Vì vậy trong dự luật, Chính phủ đề xuất phân cấp, phân quyền "mạnh mẽ và tối đa", giúp 34 địa phương được mạnh dạn triển khai được nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà không bị vướng vấn đề quy hoạch. Việc này cũng phù hợp với quan điểm của Trung ương là "địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm".
Cùng với đó, Chính phủ cũng đề xuất Bộ trưởng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được HĐND thông qua để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, dự luật cũng tập trung cắt giảm thủ tục hành chính với việc điều chỉnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Theo đó, các cơ quan sẽ không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và bãi bỏ quy hoạch về xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch.
Quá nhiều quy hoạch chồng lấn lên nhau
Phát biểu trước đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau) nói hiện nay, quy hoạch ngành tác động toàn diện phát triển quốc gia, vùng kinh tế và từng tỉnh thành. Việc sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy đòi hỏi yêu cầu quy hoạch phải có yếu tố mới, có tầm chiến lược cao hơn. Song, các quy hoạch đang có nhiều hạn chế về tổ chức đô thị nông thôn, kết cấu hạ tầng, giao thông, bến cảng, sân bay.
Ông Thanh nhìn nhận "quy hoạch quá nhiều". Gần 40 quy hoạch trên một địa phương, thậm chí làm đầy đủ thì khoảng 100 quy hoạch. Điều này làm đứt gãy vùng kinh tế, tạo ra mỗi tỉnh thành một đơn vị kinh tế, nhưng thiếu chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia. Sản xuất không theo chuỗi cung ứng, các ngành không hỗ trợ cho nhau.
"Hoạt động kinh tế đụng đâu cũng vướng quy hoạch, không vướng quy hoạch này thì cũng vướng quy hoạch kia. Nếu chúng ta dùng phương pháp chồng ghép bản đồ lên nhau thì không còn không gian nào để phát triển sáng tạo, phát triển kinh tế", đại biểu nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Vì vậy, ông đề nghị một địa phương còn tối đa 6 loại quy hoạch gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia cho 34 tỉnh thành; quy hoạch gắn với chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia phát triển kinh tế theo chuỗi sản xuất, quy hoạch tỉnh mới. Riêng quy hoạch ngành kỹ thuật chỉ giữ lại quy hoạch liên quan lợi ích quốc gia gồm: quy hoạch về an ninh quốc phòng, quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch về giao thông đường bộ, đường sắt, bến cảng và sân bay.
Đại biểu này đề nghị Chính phủ mạnh dạn bỏ toàn bộ 70 quy hoạch chuyên ngành và chuyển thành các chiến lược phát triển ngành kỹ thuật và giao cho 34 địa phương thực hiện. Điều này sẽ giải phóng được nguồn lực đang vướng vì quy hoạch để các hoạt động kinh tế có không gian sáng tạo phát triển.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nói dự Luật chưa có các quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm cũng như cơ chế của chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quy hoạch.
Ông đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định chính quyền cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.
Theo ông, việc ghi nhận vị trí cấp xã trong hệ thống quy hoạch là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính liền mạch và thực tiễn trong tổ chức. Đồng thời, cơ quan lập quy hoạch tỉnh phải lấy ý kiến chính thức của UBND cấp xã cũng như yêu cầu UBND cấp xã cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian dân cư hạ tầng sản xuất của địa phương mình.
"Lâu nay, nhiều ý kiến ở cấp xã chưa được tích hợp thực chất vào quy hoạch tỉnh dẫn đến bất cập khi triển khai tổ chức thực hiện, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi", ông Hùng nói.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch vào ngày 25/6.
Sơn Hà