Ngày 27/5, hãng thương mại điện tử PDD Holdings - công ty mẹ Temu - thông báo lợi nhuận ròng quý I giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 14,74 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD). Nền tảng này hiện chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong nước, trong khi môi trường thương mại quốc tế nhiều biến động.

"Lợi nhuận ròng của PDD giảm mạnh chủ yếu do biên lợi nhuận hoạt động thấp hơn nhiều kỳ vọng, nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu của Mỹ", Vinci Zhang - nhà phân tích tại Mscience nhận định.

PDD ghi nhận doanh thu 95,67 tỷ nhân dân tệ (13,30 tỷ USD) trong quý I. Số liệu này thấp hơn dự báo 102,51 tỷ nhân dân tệ, theo khảo sát trước đó của hãng dịch vụ tài chính LSEG.

temu-reuters-1-1748406541-1748-2777-5615-1748406678.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xes7LyFXZumLK5UCI0VnSg

Temu là ứng dụng thương mại điện tử gây sốt trên toàn cầu vài năm qua. Ảnh: Reuters

Bất chấp các chương trình giảm giá mạnh tay từ các hãng bán lẻ và loạt biện pháp kích thích chi tiêu từ chính phủ, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài vẫn đang kìm hãm tiêu dùng ở Trung Quốc, kể cả trên các nền tảng của PDD - vốn tập trung vào hàng giá rẻ.

"Tiêu dùng nội địa chậm lại, cạnh tranh tăng lên và căng thẳng thương mại toàn cầu đang gây sức ép lên tăng trưởng", Bo Pei - nhà phân tích tại công ty chứng khoán U.S. Tiger Securities cho biết. Chi phí của PDD tăng phản ánh chiến lược đẩy mạnh quảng bá và khuyến mại nhằm hỗ trợ doanh số cho người bán. Chiến lược này phục vụ mục tiêu dài hạn là duy trì hệ sinh thái của nền tảng, nhưng lại làm giảm lợi nhuận ngắn hạn.

Ba nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - Alibaba, Pinduoduo và JD.com - đang cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần trong nước. Họ đã khơi mào cuộc chiến giá nhằm kích cầu tiêu dùng.

Doanh thu quý I của Alibaba cũng không đạt kỳ vọng. Trong khi đó, JD.com vượt dự báo nhờ hưởng lợi từ chương trình đổi sản phẩm cũ lấy mới của chính phủ, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như đồ gia dụng và thiết bị điện tử.

Trong khi đó, thương mại Mỹ - Trung Quốc gần đây liên tiếp biến động, gây khó cho hoạt động toàn cầu của Temu. "Những thay đổi lớn trong chính sách thương mại, như thuế nhập khẩu, đang tạo áp lực lớn cho những người bán hàng của chúng tôi", Chủ tịch kiêm đồng CEO PDD Chen Lei cho biết trước các nhà đầu tư hôm 27/5.

Quy định "de minimis" - cơ chế miễn thuế và hải quan cho các sản phẩm giá trị thấp khi nhập khẩu vào Mỹ hiện cũng không còn. Đây là quy định Temu, Shein và nhiều nền tảng thương mại điện tử khác từng dựa vào để bán hàng giá rẻ vào Mỹ.

"Chúng tôi đang phối hợp với người bán ở nhiều khu vực nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào và giá cả ổn định tại các thị trường", Chen nói. Ông đồng thời khẳng định Temu không muốn tăng giá vì thuế nhập khẩu và đang chuyển sang chiến lược cho phép các tiểu thương địa phương tự xử lý nhiều đơn hàng hơn.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022