P/B là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Thông qua chỉ số này, nhà đầu tư có thể nhận biết được giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường thấp hơn hay cao hơn giá trị thực của nó.

Theo dữ liệu của FiinTrade, định giá P/B ngành ngân hàng ở mức 1,43 lần và hiếm khi rơi vào vùng này.

screenshot-2025-05-28-103520-1-6430-1289-1748406165.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=78ykzOmJipQvTPpN0a3dlw

Tương quan P/B và ROA của Top 20 cổ phiếu ngân hàng, theo quy mô tổng tài sản. Ảnh: FiinTrade.

"Kể từ năm 2019, chỉ có hai thời điểm P/B ngành ngân hàng giao dịch ở vùng định giá tương tự. Đầu tiên là lúc khởi phát dịch Covid-19 và thời điểm xảy ra sự kiện Vạn Thịnh Phát", báo cáo của FiinTrade nêu.

Một số cổ phiếu đang có mức định giá dưới trung bình của ngành gồm MSB, TPB, OCB, SHB, VPB NAB, MBB, ACB... Tuy nhiên, một vài cổ phiếu lại có P/B trên mức 1,43 lần gồm VCB, LPB, BID, EIB...

Nói với VnExpress, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trưởng bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), nhận định mức định giá của nhóm ngân hàng đang hấp dẫn.

Tuy nhiên, một cổ phiếu có định giá cao hơn mức trung bình ngành không đồng nghĩa mã đó đắt. "Ví dụ, P/B của VCB là 2,3 lần nhưng đây là cổ phiếu có vị thế đầu ngành nên luôn có mức định giá cao hơn mặt bằng chung", ông Tâm nói. Ngược lại, một số cổ phiếu có định giá thấp hơn bình quân ngành có thể do kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng, không phải vì đang rẻ.

Nhóm ngân hàng có định giá hấp dẫn, tuy nhiên, FiinTrade cho rằng điều này vẫn chưa đủ để kích hoạt dòng tiền quay trở lại một cách bền vững và đồng đều trên toàn ngành. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận còn khiêm tốn, trong khi rủi ro chất lượng tài sản đang có xu hướng tăng trở lại.

Theo số liệu từ FiinTrade, đà tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng đã giảm tốc trong quý đầu năm nay. Lợi nhuận sau thuế của nhóm này trong quý vừa qua đã tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,5% so với quý liền trước. Tuy nhiên, trong quý IV/2024, các ngân hàng báo lãi tăng 19,2% so với quý 4/2023 và tăng 14,1% so với quý liền trước.

Quý đầu năm, các ngân hàng tư nhân đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tốt, ở mức 22,6% so với quý trước đó, chủ yếu nhờ Seabank (SSB), Techcombank (TCB), SHB, HDBank (HDB). Ngược lại, lãi sau thuế một ngân hàng quốc doanh lại đi xuống 23,6% so với quý liền trước, có thể kể đến BIDV ( giảm 25,1%) và Vietinbank (giảm 44,3%).

screenshot-2025-05-28-103659-1-8302-4570-1748406165.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ac89-9annD3inI7XG30b_A

Tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng quý I/2025. Ảnh: FiinTrade.

Bộ phân tích của FiinTrade còn cho rằng chất lượng tài sản suy giảm là điểm cần chú ý với ngành ngân hàng trong quý I/2025. Tỷ lệ tạo mới nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) cùng tăng. Điều này cho thấy rủi ro tín dụng đang có xu hướng tăng trở lại sau giai đoạn kiểm soát tương đối ổn định trong năm 2024.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ tạo mới nợ xấu cùng tăng là BIDV, Vietinbank, VPBank, MB, LPBank, TPBank...

screenshot-2025-05-28-103813-1-2134-9243-1748406165.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8zhJwj4Q0dGZcs8I6rdrZg

Tỷ lệ nợ xấu tại một số nhà băng. Ảnh: FiinTrade.

Từ những số liệu trên, FiinTrade đánh giá thay vì lan tỏa trên diện rộng, dòng tiền có thể sẽ chọn lọc và ưu tiên những cổ phiếu ngân hàng với câu chuyện riêng. Công ty này ví dụ Techcombank có thể thu hút sự quan tâm nhờ việc niêm yết Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) dự kiến trong năm 2025. Đơn vị phân tích đánh giá sự kiện này sẽ giúp Techcombank được định giá lại và tạo giá trị cho cổ đông.

Trong khi đó, VPBank, MB và HDBank được kỳ vọng hưởng lợi từ khả năng nới room ngoại, sau khi hoàn tất việc nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém theo định hướng của Chính phủ. Đây sẽ là các cổ phiếu ngân hàng có khả năng thu hút dòng tiền mang tính cấu trúc trong thời gian tới.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của MB là 23,2%, VPBank là 24,3% và HDBank đạt 16,9%. Trong năm nay, cả ba ngân hàng này sẽ được phép nới room ngoại lên 49% sau khi nhận chuyển giao bắt buộc một nhà băng có hoạt động yếu kém đầu năm nay.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm có cùng quan điểm với FiinTrade. "Bên cạnh định giá, các yếu tố khác cần theo dõi bao gồm động lực tăng giá ngắn hạn (thông tin tăng vốn, nới room ngoại, bán vốn cũng như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới của cổ phiếu", chuyên gia này phân tích.

Tuy nhiên, xét về tiềm năng dài hạn, chuyên gia TVS vẫn có góc nhìn khả quan với nhóm ngân hàng, cùng điểm nhấn từ tăng trưởng tín dụng ước đạt 16% so với năm ngoái. Nỗ lực kiểm soát chất lượng tài sản sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu của ngành dần hạ nhiệt vào cuối năm 2025. Chuyên gia nhận định lợi nhuận trước thuế nhóm này có thể tăng trưởng từ 10% đến 15% năm nay.

Ở góc nhìn đầu tư trung và dài hạn, ông Tâm cho biết một số cổ phiếu đáng chú ý bao gồm VCB, ACB, MBB. VCB và ACB nổi bật với chất lượng tài sản đầu ngành. Còn MBB dự kiến đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong năm 2025 đi cùng với kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và kế hoạch mua lại tối đa 100 triệu cổ phiếu quỹ.

Trọng Hiếu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022