Được biết đến là nhà sáng tạo nội dung trên MXH, kênh TikTok Mẹ Cua Cốm sở hữu hơn 308k lượt theo dõi. Ban đầu, kênh chủ yếu làm về các nội dung nấu ăn, chia sẻ về ẩm thực. Sau đó, Mẹ Cua Cốm chuyển hướng qua bán các sản phẩm về thực phẩm mang thương hiệu riêng, gắn giỏ hàng những món đồ quảng cáo, nhập về bán,... với nhiều mức giá khác nhau.
Song cũng từ đây, nữ TikToker vướng vào nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều trên MXH. Đỉnh điểm là thời gian gần đây, nhiều người lên tiếng về đoạn clip quảng cáo cao ngựa cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên của Mẹ Cua Cốm.

TikToker Mẹ Cua Cốm review cao ngựa gây nhiều ý kiến trái chiều
Trong clip, cô nói đối tượng sử dụng gồm em bé từ 6 tháng tuổi trở lên, người già, mẹ bầu,... với những công dụng như “chữa đau nhức, loãng xương, thiếu hụt canxi”. Cô cũng hướng dẫn cách sử dụng: “Đối với người lớn thì 1 miếng này các bác ăn cho em trong vòng 30 ngày tức là trong vòng 1 tháng, còn với trẻ em thì mỗi 1 lần nấu cháo mình chỉ cho 1 chút xíu thôi bằng cái hạt đậu thôi các bác là được rồi nha”.
Sau khi clip này được đăng tải lên mạng xã hội đã tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội. Đăc biệt là phát ngôn: “Em bé từ 6 tháng tuổi trở lên chỉ cần biết ăn bột, ăn cháo là có thể sử dụng được cao ngựa rồi".
Cho đến mới đây, trong một livestream ngắn trên kênh TikTok của mình, khi được netizen đặt câu hỏi về sản phẩm cao ngựa này, Mẹ Cua Cốm “bật mood” đáp trả cực gay gắt. Nữ TikToker khẳng định, bản thân cô cũng dùng cho con của mình ăn, không tư vấn gì sai cho khách hàng và các video vẫn còn được lưu trên trang cá nhân. Cô cho hay sản phẩm này chỉ là chiết xuất từ xương ngựa, được cô đặc trong 5-6 ngày.

Trước khi livestream đáp trả, Mẹ Cua Cốm cũng nhiều lần khẳng định mình tư vấn đúng sự thật
Mẹ Cua Cốm "combat" trực tiếp với người xem trong livestream mới nhất chiều ngày 2/7
Không những vậy, khi một số netizen đưa ra ý kiến của các chuyên gia khuyến cáo về sản phẩm cao ngựa, Mẹ Cua Cốm vẫn giữ vững quan điểm của mình.
“Các bạn đã hỏi bác sĩ chưa, đã hỏi các chuyên gia dinh dưỡng là cái gì chưa hay chỉ đang hiểu theo suy nghĩ của mình? Còn bác sĩ thì cái gì cũng đều khuyến cáo, kể cả bạn ăn cơm, bạn không nên ăn nhiều. Cái gì cũng không nên ăn nhiều, chỉ vừa đủ thôi”, nữ TikToker nói trong livestream.
Ngoài việc liên quan đến sản phẩm cao ngựa, Mẹ Cua Cốm cũng combat trực tiếp với người xem khi bị nhắc đến lần chế biến món ăn từ rắn. Cô cho rằng mỗi người sẽ có một góc nhìn, sở thích và quan điểm riêng nên nếu không cùng chung suy nghĩ thì rất khó để nói chuyện hay giải thích.
Trước đó, khi clip quảng cáo cao ngựa của Mẹ Cua Cốm viral, một số ý kiến thì đồng tình còn phần đông lại không tán thành, hoài nghi về tính chính xác của thông tin "trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng được cao ngựa". Được biết, loại cao ngựa mà Mẹ Cua Cốm đang bán là cao ngựa bạch. Cô đang bán với giá 1250k/100gr.
Về ý kiến chuyên gia trong ngành, Bác sĩ Huỳnh Minh Nhựt, khoa Nội Nhiễm - BV đa khoa Khu vực Thủ Đức đã chia sẻ:
“Câu quảng cáo 'em bé từ 6 tháng tuổi trở lên chỉ cần biết ăn bột, ăn cháo là có thể sử dụng được cao ngựa rồi' - xét về mặt Y khoa là không đúng và rất nguy hiểm. Bởi, trẻ 6 tháng tuổi, dù đã ăn dặm (bột, cháo), nhưng hệ tiêu hóa vẫn còn rất non yếu, khả năng hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng phức tạp còn hạn chế.
Cao ngựa là một sản phẩm cô đặc từ xương, chứa nhiều protein và các khoáng chất. Việc đưa vào cơ thể một lượng lớn các chất này khi hệ tiêu hóa chưa đủ khả năng xử lý có thể gây ra gánh nặng cho hệ tiêu hóa, dẫn đến rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, đầy bụng.
Ngoài ra, khi sử dụng cho trẻ 6 tháng tuổi có thể gặp một số nguy cơ như dị ứng, quá liều và ngộ độc.
Đặc biệt, chưa có nghiên cứu lâm sàng đầy đủ và đáng tin cậy về việc sử dụng cao ngựa an toàn và hiệu quả cho trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ 6 tháng tuổi.
Hơn nữa, các sản phẩm quảng cáo online thường không đảm bảo về nguồn gốc, quy trình sản xuất, độ tinh khiết và an toàn vệ sinh. Cao ngựa kém chất lượng có thể chứa tạp chất, vi khuẩn, hoặc các chất cấm, gây ngộ độc cho trẻ”.
Nói thêm về vấn đề sử dụng cao ngựa có hiệu qua ra sao, những đối tượng nào nên sử dụng loại thực phẩm này, bác sĩ Huỳnh Minh Nhựt cho biết những người có ý định mua và sử dụng cao ngựa cần cân nhắc kỹ càng, tốt nhất là nên có sự chỉ định, hướng dẫn của những người có chuyên môn như bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
"Trong danh mục 863 dược liệu, vị thuốc cổ truyền đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam (cập nhật đến ngày 30/5/2022) thì không thấy đề cập đến cao ngựa.
Cao ngựa có thể được xem là một món ăn, một loại thực phẩm chức năng bổ sung thay vì một vị thuốc, do đó tính hiệu quả trên mỗi người sử dụng là khác nhau, có thể có người có hiệu quả, người thì không có hiệu quả gì.
Bởi thế, người sử dụng cần cân nhắc giữa ích lợi thu được chưa rõ ràng với một khoản tiền khá lớn phải bỏ ra (từ vài trăm nghìn tới cả chục triệu đồng) trong lúc chờ các nhà khoa học và các nhà quản lý dược phẩm đưa ra những thông tin chắc chắn hơn", bác sĩ Huỳnh Minh Nhựt nói.