Tại cuộc họp giao ban Bộ Tài chính ngày 9/8, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết ngay sau khi sự cố xảy ra, cơ quan này đã tập trung giải quyết, cơ bản xử lý xong ngay trong đêm 6/8.

Theo ông, sang ngày 7/8, hoạt động thông quan "có một chút ùn tắc ở cửa khẩu". Tuy nhiên, cơ quan hải quan đã phối hợp với các đơn vị liên quan nên "cơ bản đã giải quyết được tình trạng này".

Song, lãnh đạo cơ quan hải quan cho biết một vấn đề là hành lang pháp lý để xử lý các tình huống phát sinh vẫn còn thiếu. Ông kiến nghị Bộ Tài chính cho nghiên cứu, bổ sung nội dung liên quan đến cơ chế, quy trình xử lý các trường hợp cấp bách, phân cấp giải quyết tình huống. Các quy định này sẽ được đưa vào Luật Hải quan. Trước mắt, Phó tổng cục trưởng đề nghị xây dựng một Thông tư mang tính dự phòng có thể áp dụng ngay.

Thực tế, vụ việc này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan. Thời điểm đó, các thủ tục hải quan phải chuyển sang làm thủ công bằng giấy tờ, khiến thời gian xử lý kéo dài, ùn ứ hàng hoá ở khâu thông quan. Ngày 8/8, Tổng cục Hải quan cho biết sự cố vẫn đang được khắc phục, dự kiến hoàn thành ngày 11/8. Nhưng đến hiện tại, nhà chức trách vẫn chưa công bố lý do xảy ra sự cố.

da4d5a8e4ef9eaa7b3e8-4812-1723203768.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Uml1dLqvEzDG8lhwipsNGw

Người dân chờ làm thủ tục tại cảng Greenport, Hải Phòng, ngày 7/8. Ảnh: CTV

Liên quan tới sự cố này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị thuế, hải quan đặc biệt quan tâm đến vấn đề công nghệ thông tin. "Các nội dung này liên quan đến toàn bộ nền kinh tế, không phải chỉ ở một bộ, ngành", Bộ trưởng nói, thêm rằng nếu tắc khâu xuất nhập cảnh hay hóa đơn điện tử sẽ ảnh hưởng đến tất cả nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân.

Cùng đó, ông yêu cầu các cơ quan này xây dựng hệ thống dự phòng, phương án xử lý với tình huống khó khăn, cấp bách nhất.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng ước đạt 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 90% thủ tục hải quan được xử lý bằng điện tử, theo ông Trần Việt Huy, Trưởng Ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - VLA). Do đó, khi hệ thống thông quan điện tử xảy ra sự cố sẽ gây ách tắc, đình trệ cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS là hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi, quan trọng nhất của Tổng cục Hải quan. Hệ thống này do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại, triển khai từ tháng 4/2014.

Năm 2020, Tổng cục Hải quan cho biết đang xây dựng Đề án tái thiết kế tổng thể Hệ thống công nghệ thông tin ngành. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu về ứng dụng, khắc phục các hạn chế.

Trong một báo cáo khác, cơ quan hải quan cho biết từ 2014-2022, họ đã phải xây dựng và duy trì thêm khoảng 20 hệ thống vệ tinh hoạt động song song. Tuy nhiên, do không được thiết kế đồng bộ, hệ thống của ngành có tính liên kết yếu, khó tích hợp chức năng, cung cấp dữ liệu.

Chưa kể, vào cao điểm, hệ thống thường xảy ra tắc nghẽn cục bộ, quá tải không xử lý được dữ liệu, khiến kéo dài thời gian thông quan. Các chức năng hỗ trợ khai thác, quản lý hải quan cũng được đánh giá không đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hiện nay. Trong khi đó, các thiết bị phần cứng đã lỗi thời, không còn loại tương tự để thay thế. Họ cũng không có hệ thống dự phòng, nên có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022