Thông tin này được PGS. TS Vũ Minh Khương nêu tại báo cáo khoa học về triển thu phí ETC trên cao tốc. Báo cáo này đăng ngày 6/8 trên website Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) - nơi ông Khương làm giảng viên.

Theo báo cáo, thị trường ETC toàn cầu tăng trưởng đáng kể - từ 7 tỷ USD năm 2020, lên hơn 9,2 tỷ USD năm ngoái. Dự kiến đến năm 2029, nếu vẫn giữ được tốc độ tăng 8,1% mỗi năm, thị trường này sẽ đạt quy mô khoảng 14,7 tỷ USD, chủ yếu nhờ áp dụng công nghệ ETC tại các tuyến cao tốc (chiếm khoảng 90% thị trường).

Việt Nam có 1.290 km đường cao tốc vào cuối 2021 và dự kiến tăng lên 5.000 km vào 2030. Quá trình này cũng gắn liền với việc chuyển đổi từ thu phí thủ công sang hệ thống ETC trên các tuyến quốc lộ, cao tốc từ năm 2019 tới nay. Năm ngoái, công nghệ này được triển khai trên toàn tuyến cao tốc, giúp Việt Nam có thể hưởng lợi hơn 442 triệu USD. Việc này được đánh giá qua 4 thước đo, gồm năng lượng, nhân lực, tuổi thọ phương tiện và chi phí vận hành. Lũy kế 5 năm qua, con số này là khoảng 1 tỷ USD.

"Đến năm 2030, công nghệ ETC có thể mang đến tổng giá trị kinh tế gần 5,3 tỷ USD cho Việt Nam", báo cáo của PGS. TS Vũ Minh Khương nêu. Trong đó, chi phí nhiên liệu tiết kiệm được gần 950 triệu USD, nhân công giảm khoảng 2,2 tỷ USD và tiết kiệm hơn 1,6 tỷ USD từ tuổi thọ phương tiện.

thu-phi-6995-1652266422-172317-8110-5566-1723179695.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZT44NImpTJXvW_dZt6j5ZA

Một trạm thu phí ETC sử dụng công nghệ RFID trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Anh Duy

Ngoài ra, việc chuyển đổi này giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển, loại bỏ tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các trạm thu phí, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải tương đương CO2.

Hiện nay, hai công nghệ thu phí tự động được triển khai là RFID và DSRC, tùy thuộc nhu cầu và khả năng cơ sở hạ tầng ở từng thị trường. Tuy nhiên, RFID - công nghệ đang áp dụng tại Việt Nam vượt trội hơn DSRC về thị phần và tốc độ tăng trưởng.

Việt Nam có gần 5,35 triệu ôtô đã dán thẻ ETC. Từ năm 2019 đến hết quý đầu năm nay, thị trường ghi nhận khoảng 991 triệu lượt giao dịch ETC trên cao tốc. Lũy kế đến hết năm 2030, lượng giao dịch này có thể đạt gần 4,95 tỷ lượt.

Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu của ông Vũ Minh Khương rút ra 3 bài học lớn cho quá trình chuyển đổi công nghệ thu phí tại các nền kinh tế đang phát triển. Thứ nhất, cách tiếp cận chủ động, điều phối quyết liệt của Chính phủ trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng công nghệ thu phí không dừng.

Tại Việt Nam, việc Chính phủ thành lập tổ công tác chuyên trách nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong phát triển cơ sở hạ tầng đã giúp quá trình triển khai ETC vượt qua những trở ngại ban đầu, thực thi các quyết định nhanh chóng trên diện rộng.

Thứ hai, sự tham gia của các công ty tư nhân trong triển khai và quản lý cơ sở hạ tầng ETC đã nâng cao hiệu quả, tốc độ triển khai và hoạt động. Quan hệ đối tác công tư ở Việt Nam đã thúc đẩy sự đổi mới, tận dụng chuyên môn và nguồn lực của khu vực tư nhân để đẩy nhanh việc áp dụng, nâng cao hiệu quả hệ thống.

Cuối cùng, việc triển khai ETC cũng đánh dấu sự khởi đầu quá trình chuyển đổi kỹ thuật số rộng hơn trong lĩnh vực vận tải, giao thông thông minh. "Các ứng dụng của ETC nên được mở rộng sang các hệ thống thanh toán kỹ thuật số tương tự cho thu phí nội đô, bãi đậu xe, đổ xăng không tiền mặt...", báo cáo nêu.

Anh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022