Chiều 6/9, Tổng công ty đường sắt Việt Nam phối hợp Tổng công ty Khí Việt Nam tổ chức khởi hành chuyến tàu chở những tấn khí hóa lỏng (LNG) đầu tiên từ Nam ra Bắc với lộ trình hơn 2.000 km.

16 bồn chứa khoảng 300 tấn được vận chuyển bằng đường bộ từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên ga Trảng Bom (Đồng Nai). Từ đây, các bồn khí sẽ được thiết kế thành các toa tàu hàng đi bằng đường sắt ra ga Đông Anh (TP Hà Nội). Sau đó, ôtô sẽ tiếp tục vận chuyển đến các công ty, khu công nghiệp khu vực phía Bắc để phục vụ sản xuất. Dự kiến thời gian mỗi chuyến tàu sẽ mất 3 ngày.

5c0f45b139699e37c778-1716-1725613651.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mtiWXb_K7exlomV96hf8Cg

Đoàn tàu đi qua một khu dân cư huyện Trảng Bom, Đồng Nai chiều 6/9. Ảnh: Phước Tuấn

Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam cho biết, các toa tàu chứa khí hóa lỏng được thiết kế sản xuất trên công nghệ hiện đại, đúng tiêu chuẩn ở nhiệt độ âm 162 độ C trong suốt quá trình vận chuyển. Việc đưa vào vận chuyển đường sắt tạo ra một hệ thống cung ứng năng lượng toàn diện, linh hoạt và rộng khắp trên toàn quốc ngoài đường ống, đường bộ...

Trước đó, từ tháng 3/2024, việc chuyên chở LNG bằng bồn chứa khí được đơn vị thực hiện chủ yếu bằng cách sử dụng xe bồn, cung cấp cho thị trường miền Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ.

Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đoàn tàu có ý nghĩa không chỉ với ngành công nghiệp khí tại nước ta mà còn giúp ngành vận chuyển đường sắt, logistics có mốc phát triển quan trọng. Từ nay đến cuối năm, ngành đường sắt sẽ chở từ 60 đến 120 bồn chứa khí từ Nam ra Bắc.

LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất. Hiện nay ở Việt Nam, LNG được sử dụng chủ yếu làm nhiên liệu cho các nhà máy điện và các hộ tiêu thụ công nghiệp. Ngoài tàu hỏa, ôtô, LNG cũng có thể vận chuyển bằng tàu ven biển có tải trọng từ 2.500-12.000 m3 đến những hộ tiêu thụ ở xa đường ống dẫn khí, các thị trường khu vực ven biển, các đảo ngoài khơi.

Phước Tuấn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022