Thông tin được nêu trong báo cáo "Nền kinh tế xanh Đông Nam Á" vừa công bố, do Bain & Company, GenZero, Google, Standard Chartered và Temasek thực hiện.

Theo báo cáo, đầu tư xanh của tư nhân trong nhóm SEA-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) đạt 8 tỷ USD năm ngoái, tăng 43% so với 2023.

Singapore và Malaysia dẫn đầu về thu hút vốn tư nhân cho đầu tư xanh, lần lượt đạt 2,68 và 2,3 tỷ USD, tăng đến 194% và 124% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam cùng với Indonesia, Philippines, Thái Lan chứng kiến dòng vốn suy giảm ở mức hai con số.

Tại Việt Nam, đầu tư xanh từ khu vực tư nhân năm qua chỉ chiếm khoảng 2% tổng giá trị. Dòng vốn xanh chuyển dịch từ năng lượng mặt trời năm 2023 sang giao thông vận tải và điện gió, với tổng cộng 4 thương vụ được ghi nhận. Tuy nhiên, so với 2023, quy mô đầu tư đã giảm 19%.

Theo báo cáo, Đông Nam Á chiếm 7,5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và dễ bị tổn thương do chưa thể kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải. Vì vậy, các chính phủ cần có biện pháp can thiệp khẩn cấp để thay đổi quỹ đạo này và đạt được mục tiêu.

Bà Franziska Zimmermann, Giám đốc điều hành về phát triển bền vững của Temasek, lưu ý chỉ còn 5 năm nữa là đến 2030, cánh cửa hành động để tránh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang nhanh chóng khép lại. "Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ và tập trung vào các giải pháp thực tiễn có tác động trong ngắn hạn", bà nói.

Các chuyên gia cho rằng Đông Nam Á cần đẩy nhanh phát triển nông nghiệp bền vững, lưới điện thế hệ mới và hệ sinh thái xe điện (EV). Nông nghiệp tạo ra 25-30% việc làm nhờ các ngành dầu cọ, cao su, gạo nhưng cũng góp phần gây ra 30% lượng phát thải và mất rừng, do những rào cản như sản xuất manh mún, hạ tầng yếu, pháp lý phức tạp và thị trường carbon sơ khai. Giải pháp bền vững cho ngành này là nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy nhiên liệu sinh học, cải cách quyền sử dụng đất và chuỗi cung ứng.

Về năng lượng, báo cáo khuyến nghị các nước ASEAN mở rộng, hiện đại hóa lưới điện nội địa và tăng kết nối xuyên biên giới.

Giao thông đường bộ là nguồn phát thải lớn, nhưng tỷ lệ xe điện tại Đông Nam Á còn thấp. Do đó, khu vực cần chiến lược kép gồm tăng nhu cầu và mở rộng sản xuất xe điện nội địa để duy trì lợi thế sản xuất và giảm phát thải. Đồng thời, các nước cũng cần hợp tác khu vực phát triển chuỗi cung ứng pin, xe điện, hạ tầng sạc, tận dụng tài nguyên sẵn có.

cao-toc-cam-lam-vinh-hao-qua-t-4756-8590-1746523364.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JETR3CjAAj5fgCNj433f2Q

Trang trại điện gió dọc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. Ảnh: Việt Quốc

Đông Nam Á có nguy cơ thiếu hơn 50 tỷ USD vốn xanh và thách thức có thể gia tăng trong bối cảnh bất ổn vĩ mô. Do đó, việc thúc đẩy chính sách thuận lợi, phát triển nhân lực và hợp tác công-tư là then chốt. Các nước khu vực ASEAN cũng cần phát triển giải pháp hỗ trợ về tài chính khí hậu và chuyển dịch năng lượng, thị trường carbon và trí tuệ nhân tạo xanh (Green AI).

Quan trọng hơn, ASEAN cần bảo đảm mức giá năng lượng hấp dẫn để thu hút đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế tuân thủ, hệ thống đăng ký và sàn giao dịch minh bạch để củng cố niềm tin vào thị trường tín chỉ carbon. Ông Anshari Rahman, Giám đốc chính sách và phân tích tại GenZero đánh giá thị trường carbon của Đông Nam Á có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng còn nhiều việc phải làm.

"Việc tăng nguồn cung tín chỉ carbon chất lượng cao được hậu thuẫn bởi khung chính sách rõ ràng, nhất quán cùng với cơ sở hạ tầng hỗ trợ đầy đủ là thiết yếu để thu hút đầu tư và kích cầu", ông nhận định.

Theo ông Dale Hardcastle, Đối tác và Đồng giám đốc Trung tâm Đổi mới bền vững toàn cầu của Bain & Company, các nước Đông Nam Á cần đạt được hai kết quả then chốt, là cắt giảm phát thải đáng kể và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc này giúp khu vực vừa đạt được mục tiêu khí hậu vừa xây dựng khả năng phục hồi và thịnh vượng lâu dài.

Ngoài ra, nếu hợp tác sâu rộng hơn trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhóm SEA-6 có thể thu về tới 120 tỷ USD trong tăng trưởng kinh tế, tạo ra 900.000 việc làm mới và thu hẹp 50% khoảng cách phát thải vào năm 2030, theo báo cáo.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022