Khoảng 1,79 tỷ cổ phiếu Vinpearl (mã chứng khoán: VPL) sẽ giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) từ 13/5. Biên độ giao dịch của cổ phiếu này trong phiên đầu tiên được tăng hoặc giảm tối đa 20%, trong khi mức thường lệ 7%.
Mỗi cổ phiếu Vinpearl có giá tham chiếu 71.300 đồng trong phiên đầu tiên, tương đương mức định giá gần 130.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD). Như vậy, mức định giá công ty con của Vingroup khi lên sàn vượt loạt doanh nghiệp niêm yết lâu năm như LPBank, Masan Group, Sabeco, ACB...
Trước đó, hồi tháng 2, Vinpearl huy động thành công 5.000 tỷ đồng từ đợt phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu cho 105 nhà đầu tư, tương ứng 71.350 đồng mỗi cổ phiếu. Lúc này, công ty đã tự định giá ở mức 5 tỷ USD. Vốn điều lệ sau phát hành đạt 17.933 tỷ đồng.

Vinpearl Hạ Long, một trong số chuỗi khách sạn của Vinpearl. Ảnh: VPL
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm 85% vốn của Vinpearl. Chuỗi nghỉ dưỡng này sẽ trở thành đơn vị thứ 6 của hệ sinh thái Vingroup xuất hiện trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau công ty mẹ cùng Vincom Retail, Vinhomes, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) và Sách Việt Nam.
Công ty này là một trong những thương hiệu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu thị trường trong nước, với 48 cơ sở tại 18 tỉnh, thành phố. Số này gồm 31 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với công suất trên 16.000 phòng và các khu công viên chủ đề, vui chơi giải trí, sân golf, ẩm thực... Đến năm 2023, Vinpearl được Vingroup chia tách thành hai pháp nhân, gồm Ngọc Việt và Vinpearl.
Quý I năm nay, doanh thu của Vinpearl tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2.435 tỷ đồng, tương đương bình quân 27 tỷ một ngày. Sau khi trừ các chi phí, chuỗi nghỉ dưỡng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng.
Năm nay, Vinpearl tiếp tục mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng, với kế hoạch khai trương nhiều khách sạn, công viên giải trí và sân golf mới. Công ty đặt mục tiêu thu 14.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.700 tỷ.
Trọng Hiếu