Ủy ban châu Âu (EC) vừa cho biết kết quả sơ bộ của cuộc điều tra cho thấy chuỗi giá trị xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ "trợ cấp không công bằng", gây tổn hại cho các đối thủ EU. Vì vậy, dự kiến từ 4/7, ba công ty xe điện nội địa Trung Quốc đang có thị phần lớn nhất ở châu Âu gồm BYD, Geely và SAIC sẽ bị áp mức thuế mới lần lượt là 17,4%; 20% và 38,1%.

Geely sở hữu một loạt các thương hiệu nổi tiếng bao gồm Polestar, Lotus của Anh và Volvo (Thụy Điển). Trong khi SAIC sở hữu MG, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.

Các nhà sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế ít nhất là 21%. Sự khác nhau về mức thuế cho từng thương hiệu dựa trên ước tính quy mô của các khoản trợ cấp vượt mức hoặc không công bằng mà Bắc Kinh dành cho họ, theo EC. Riêng thuế cho xe Tesla sản xuất ở Thượng Hải có thể "được tính riêng".

2024-05-09T000000Z-1045994068-1616-6716-1718251344.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UFMGUCN8YptvD0-wtkHzBg

Xe điện chuẩn bị xuất khẩu tại Cảng quốc tế Taicang ở Tô Châu, Giang Tô ngày 9/5. Ảnh: Reuters

Ủy ban cho biết đã liên hệ với Bắc Kinh để "tìm những cách khả thi để giải quyết vấn đề" nhưng nếu không có giải pháp hiệu quả, các mức thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực tháng sau như đã định.

Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, kim ngạch ôtô điện nhập khẩu vào châu Âu đã tăng vọt từ 1,6 tỷ USD hồi 2020 lên 11,5 tỷ USD năm ngoái. Hầu hết đến từ các nhà sản xuất phương Tây có nhà máy ở Trung Quốc như Tesla và BMW.

Tuy nhiên, các quan chức EU lo ngại các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc sẽ thâu tóm thị phần các thương hiệu châu Âu bằng xe giá rẻ được trợ cấp. EC cho biết thị phần của các thương hiệu nội địa Trung Quốc tại EU đã tăng từ mức dưới 1% lên 8% và dự báo đạt 15% vào 2025.

Andrew Kenningham, Kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics đánh giá quyết định của EU đánh dấu thay đổi lớn trong chính sách thương mại của khối vì mặc dù họ thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng Trung Quốc nhưng không làm vậy với ngành công nghiệp quan trọng như ôtô.

Theo ông, các nhà hoạch định chính sách châu Âu muốn tránh lặp lại những gì đã xảy ra với các tấm pin mặt trời cách đây một thập kỷ, khi EU chỉ thực hiện một số hành động hạn chế khiến ngày nay nhiều nhà sản xuất châu Âu thua lỗ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cho biết cuộc điều tra của EU là một "trường hợp điển hình của chủ nghĩa bảo hộ" và thuế quan sẽ gây tổn hại cho hợp tác kinh tế Trung Quốc - EU cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất ôtô toàn cầu. Ông nói Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để "bảo vệ vững chắc" các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tổng thư ký Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA) Cui Dongshu cho biết mức thuế tạm thời của EU nằm trong dự đoán và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phần lớn các công ty Trung Quốc. "Những công ty xuất khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất bao gồm Tesla, Geely và BYD vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn ở châu Âu trong tương lai", ông nói.

Phiên An (theo AP, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022