Sáng 3/7, giới chuyên môn Việt Nam và Pháp trình bày góc nhìn về điện ảnh ở hội thảo Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam, thuộc khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024. Diễn giả - Phó giáo sư, Tiến sĩ lý luận văn học Hoàng Cẩm Giang - nhận xét tác phẩm của đạo diễn như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Síu Phạm, Bùi Thạc Chuyên có sự gần gũi với tác phẩm Làn sóng mới, phong trào làm phim nghệ thuật của Pháp nổi lên vào cuối những năm 1950.

"Phim của các đạo diễn này thường phức tạp về cốt truyện, các đường dây kịch bản không dễ theo dõi. Mối quan hệ của nhân vật ẩn sâu dưới các biểu tượng trong tác phẩm", bà Hoàng Cẩm Giang nói.

img-9995-jpg-1720006899-172000-4918-6874-1720007659.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ts7i8U_Pi0Px8WHk3tJUoA

Diễn giả Hoàng Cẩm Giang trong hội thảo sáng 3/7. Ảnh: Anh Vũ

Tiến sĩ lấy ví dụ Bi, đừng sợ! (2010) do Phan Đăng Di đạo diễn, ảnh hưởng từ các nhà làm phim Pháp khi tiếp cận câu chuyện qua góc nhìn trực diện về đời sống hiện đại, phá bỏ cách tường thuật truyền thống. Trong Đập cảnh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp, có nhiều cảnh quay gợi sự bí ẩn, như đồi núi vào đêm tối, đường ống nước khổng lồ. Máy quay thường đặt ngang tầm diễn viên hoặc từ trên cao xuống, tạo khoảng cách giữa người xem với nhân vật. Cách dựng phim của đạo diễn cũng cố ý làm mất sự liền mạch và thống nhất của câu chuyện.

Các đạo diễn sáng tạo trong việc tận dụng hiệu ứng ánh sáng, đồng thời giữ nhịp phim ở mức độ chậm rãi. Ở nhiều tác phẩm, lời thoại bị hạn chế tối đa, thậm chí một số dự án không có lời dẫn chuyện. Việc này đòi hỏi đạo diễn phải biết cách kể chuyện bằng hình ảnh qua các chất liệu như âm thanh, góc máy, ánh sáng, ngôn ngữ trình diễn.

trailer-bi-dung-so-2010-1720007189.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pLNd7lOokK_dMixCpxJR1A
Trailer 'Bi, đừng sợ!' (2010)

Trailer phim "Bi, đừng sợ!" năm 2010. Video: Acrobates Films

Một số nhà làm phim trong nước không tuân thủ theo cách dàn dựng ánh sáng ba điểm (three-point lighting) của Hollywood. Thay vì bố trí quay phim sử dụng đèn chiếu từ ba hướng trong một cảnh để giúp tạo nên sự hài hòa và cân bằng về phía chủ thể, đạo diễn thường chỉ nhấn mạnh một trong ba hướng đó nhằm gây ấn tượng về diện mạo và tâm lý nhân vật.

"Những nhà làm phim hiện nay được đào tạo bài bản, đồng thời là những người có điều kiện bứt phá để tiếp cận những tư tưởng, khuynh hướng, trào lưu mới từ châu Âu, vượt ngoài tầm ảnh hưởng của điện ảnh Liên Xô và Hollywood", bà Hoàng Cẩm Giang nhận định.

Đồng quan điểm, nhà phê bình phim của trang Les Cahiers du cinema Charles Tesson cho biết các tác phẩm của thế hệ nhà làm phim trẻ khẳng định sự phát triển của điện ảnh Việt. "Cú sốc đầu tiên khi tôi là thành viên ban tuyển chọn phim cho tuần phê bình tại Pháp năm 2010 là Bi, đừng sợ!, kể câu chuyện từ góc nhìn của một em bé về thế giới và cuộc sống, dựa trên những gì cậu nhìn thấy và trải nghiệm", ông Tesson nói.

Năm 2021, ông ấn tượng với tác phẩm Miền ký ức của đạo diễn Bùi Kim Quy, phản ánh thái độ của con người về cái chết. Thông qua tác phẩm, nhà làm phim cho thấy khát vọng sinh tồn, quan điểm về cuộc sống.

Gần đây, nhiều nhà sản xuất Pháp tham gia đồng hành cùng các tác phẩm Việt đoạt giải thưởng ở liên hoan phim quốc tế như Tro tàn rực rỡ (2022), Bên trong vỏ kén vàng (2023) và Cu li không bao giờ khóc (2024). "Trước đây, những phim Pháp lấy bối cảnh chiến tranh Đông Dương không chiếu ở Việt Nam và dự án Việt kể về thời kỳ này không thể xem tại Pháp. Ngày nay, chúng ta kết nối thông qua điện ảnh, mở ra sự giao thoa giữa hai nước", ông Tesson nói.

67d89584d4147e4a2705-5593-1707-2573-3344-1720007659.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4E3Qf2EdsKJ_Qu2BVtvPDA

Êkíp "Bên trong vỏ kén vàng" ở hậu trường Liên hoan phim Cannes 2023 sau khi nhận giải Camera d'Or cho phim đầu tay xuất sắc. Phim do các công ty Việt Nam, Singapore, Pháp và Tây Ban Nha sản xuất. Ảnh: Thi Tran

Dưới hàng ghế khán giả, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói những năm 1980 khi làm phim đầu tiên Bao giờ cho đến tháng mười, Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao Pháp đưa tác phẩm chiếu ở Paris, đồng thời mời ông sang nước ngoài dự buổi ra mắt. Sau đó vài năm, Đặng Nhật Minh nhận học bổng du học về điện ảnh, có cơ hội xem nhiều phim của trào lưu Làn sóng mới. Theo đạo diễn, chính phủ Pháp còn tài trợ cho tác phẩm Mùa ổi, phát hành ở các rạp chiếu trong hai tháng. "Nhiều người trong thế hệ làm phim như tôi ảnh hưởng sâu sắc bởi điện ảnh Pháp", Đặng Nhật Minh nói.

Một số chuyên gia nhận định giữa nhiều xu thế tập trung vào tính giải trí, điện ảnh Pháp vẫn giữ vững lập trường, gìn giữ tính nghệ thuật. Các ban ngành của Pháp quan tâm, chú trọng đầu tư cho phim ảnh trong nước và hợp tác quốc tế, trong đó có Việt Nam.

img-0092-jpg-1720007299-172000-9310-8179-1720007659.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kpTejEkfw8Ko3ywCkMwbQA

Đạo diễn Tất Bình phát biểu trong hội thảo, ngày 3/7. Ảnh: Anh Vũ

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai tổ chức ngày 2 đến 6/7, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh trong nước và quốc tế. Sự kiện do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cùng các sở ngành tổ chức. Người sáng lập - nguyên Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan - cho biết kỳ vọng tạo sự gắn kết giữa Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Hai hạng mục chính gồm Phim châu Á và Phim Việt Nam, mỗi mục gồm sáu giải thưởng, cao nhất trị giá 115 triệu đồng. Các phim tham dự các hạng mục và chương trình của DANAFF năm nay gồm 63 dự án, trong đó nhiều tác phẩm đạt lợi nhuận cao đầu năm như Mai, Lật mặt 7: Một điều ước Đào, Phở và Piano tham gia dự thi hạng mục phim Việt. Hai dự án trong nước từng đoạt giải thưởng ở các liên hoan quốc tế Cu li không bao giờ khóc Bên trong vỏ kén vàng cạnh tranh 11 tác phẩm khác trong hạng mục Phim châu Á.

Quế Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022