Cảnh nhóm học sinh trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) ném giấy rác, dép vào đầu cô giáo gây ngất xỉu. Ảnh cắt clip
Những ngày gần đây, trên báo chí, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh cô P.T.H - giáo viên bộ môn Âm nhạc, Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) - bị hàng chục học sinh dồn vào góc tường, chửi bới , ném dép ngay ở lớp học.
Giáo viên sợ vì nghề giáo quá rủi ro
Chia sẻ về vụ việc, cô giáo Nguyễn Thủy Anh - giáo viên dạy môn Văn ở Hà Nội cho rằng, lần đầu xem video cô đã không dám xem hết vì thấy quá phản cảm.
Giáo viên chia sẻ, điều này quá buồn vì đã xảy ra trong môi trường giáo dục và không thể hiểu nổi tại sao lại có chuyện này.
Giờ tìm nguyên nhân thì khó vì cũng chỉ mang tính phỏng đoán. Tuy nhiên, có lẽ từ hiện tượng này ta thấy cách xử lý tình huống sư phạm và cách giáo dục của gia đình, nhà trường.
“Cũng như tất cả chúng ta, cô giáo thì có thể giỏi hoặc biết về chuyên môn nhưng chưa chắc ai xử lý tình huống cũng tốt và sâu sắc trong cuộc sống, giao tiếp. Có lẽ, cả cô và trò đều ở trong môi trường có nhiều hạn chế. Mỗi thứ một tí đẩy sự việc lên cao trào” - cô Thủy Anh chia sẻ.
Cũng theo vị giáo viên này, ban giám hiệu nhà trường đang ở đâu. Nhà trường cần có người cầm cân nảy mực, định hướng cho cô và giáo dục cho trò, kết nối với phụ huynh,…
“Nếu giáo viên không tìm được ban giám hiệu thì còn cô chủ nhiệm lớp, hội đồng giáo viên, tổ chức công đoàn, sao cô lại để mình như vậy” - cô Thủy Anh nêu quan điểm.
Thạc sĩ Ngữ văn Đình Thị Thủy (Hà Nội) cho rằng, cô cảm thấy hụt hẫng vì văn hóa ứng xử của nhóm học sinh này. Chưa bàn về nguyên nhân xuất phát từ phía cô giáo hay học sinh nhưng hành vi tấn công giáo viên, tấn công người lớn tuổi của học sinh đã là vượt giới hạn và vi phạm văn hóa ứng xử.
Theo cô Thủy, sự việc khiến cộng đồng càng trăn trở trước thực trạng các giá trị, nền tảng căn bản của giáo dục có nguy cơ bị rạn nứt.
“Cần nhiều hơn các bài giáo dục về văn hóa ứng xử, các tiết học đánh thức tâm hồn, giáo viên cũng cần kiểm soát và làm chủ được các tình huống sư phạm hơn, hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có có thể xảy ra trong môi trường học đường” - cô Thủy nêu quan điểm.
Theo cô Thủy, hiện nay có nhiều trường hợp học sinh cá biệt, học sinh có vấn đề tâm lý, phụ huynh học sinh rất muốn con được học cùng các bạn đồng trang lứa để hòa nhập và hòa hợp. Tuy nhiên nguy cơ của bạo lực , của những rủi ro về sức khỏe, tính mạng rất có thể xảy ra.
Khi nhận học sinh, với những trường hợp cá biệt, cần có giải pháp theo lộ trình, vừa nhân văn nhưng cũng cần rõ ràng, theo đúng tiến trình, mức độ vi phạm của học sinh để phối hợp với phụ huynh học sinh giáo dục con, trong trường hợp học sinh không tiến bộ về thái độ, hành vi, cần nghiêm khắc và phụ huynh cần thực hiện theo cam kết trước khi vào trường.
PGS.TS PGS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội
Giáo viên cô độc
Trả lời báo Tiền Phong, PGS.TS PGS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, diễn biến trên lớp học cho thấy cô giáo âm nhạc này đã rất cô đơn, đơn độc. Sự việc diễn ra mà không thấy sự vào cuộc kịp thời của nhà trường, cha mẹ học sinh.
Phân tích về hành vi của cô giáo, vị chuyên gia cho rằng cần tìm hiểu diễn biến trước đó liên quan tới cô giáo là gì? Những yếu tố nào đã thúc đẩy học sinh có những biểu hiện bạo lực, mang tính tập thể lệch chuẩn như vậy?
Ông Nam cho rằng, trong trường hợp này, các em thiếu kỹ năng hành xử phi bạo lực với người lớn, trong đó có cô giáo dạy mình. Về phía cô giáo thì cũng có hành vi chưa chuẩn mực.
“Nhưng bất kể lý do gì thì hành vi mang tính tập thể của học sinh như vậy là không thể chấp nhận” - ông Nam nhận xét.
Đối chiếu theo quy chuẩn đạo đức nghề giáo thì bóc tách riêng hành vi của cô giáo là không đẹp. Tuy nhiên nguyên nhân dẫn tới phản ứng ấy thế nào thì cần tìm hiểu kỹ.
Ông Nam nói, sự việc xảy ra tại trường THCS Văn Phú rất nghiêm trọng. Cho thấy chất lượng giáo dục, môi trường giáo dục ở ngôi trường này đang có những khiếm khuyết lớn, rất cần mổ xẻ, đánh giá toàn diện.
“Trong khi đó clip bạo lực lan tỏa trên mạng xã hội chỉ cho thấy một lát cắt của sự việc, khiến dư luận dễ cảm nhận đơn giản, một chiều, chỉ thấy hiện tượng mà khó hiểu rõ bản chất. Những video bạo lực như vậy gây áp lực ngược trở lại cho đội ngũ giáo viên, có thể khiến thầy cô mất động lực nghề nghiệp” - ông Nam nói.
Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII
Chia sẻ quan điểm về vụ việc này, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, đây là một chuyện lạ lùng. Nhà quản lý, nhà trường cần xem lại toàn bộ cách dạy đạo đức cho học sinh từ trước đến nay.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, việc tư vấn chống bạo lực học đường nhiều trường đã làm rồi. Nhưng xem clip thấy sự vô lễ của học sinh với thầy cô giáo, bạo hành với học sinh. Điều này không thể chấp nhận được.
“Khi chúng ta chưa có nhiều thông tin thì điều cần làm là lên án thái độ vô lễ với thầy cô. Ở đây truyền thống tôn sư trọng đạo không còn. Đó là hành vi không thể chấp nhận được” - thầy Lâm nêu quan điểm
Mặt khác, theo thầy Lâm , học sinh trong clip đều là học sinh chỉ lớp 6, lớp 7 mà đã xử sự kiểu côn đồ. Có thể cô giáo có thiếu sót, có sai lầm trong việc sử dụng ngôn ngữ nhưng phải có cách giải quyết. Học sinh không thể hành xử theo kiểu này với giáo viên.
Ông Lâm cho rằng, chúng ta cần đặt câu hỏi về công tác tổ chức, kỉ luật của nhà trường có nề nếp dạy học hay không mà để xảy ra tình trạng như vậy. Nhà trường cũng nên để học sinh tự nhận trách nhiệm, việc này không chỉ xin lỗi rồi thôi cho xong chuyện.
“Phải chăng từ lâu chúng ta thiếu những bài học giáo dục học sinh, bài học về lòng khoan dung hay kỹ năng thể hiện tình cảm, lòng biết ơn với thầy cô giáo” - thầy Lâm chia sẻ.