Vừa qua, tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, một số học sinh đã có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận.
Trước sự việc trên, ngày 5/12, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND tỉnh Tuyên Quang, trong đó Bộ đánh giá đây là "hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng". Vấn đề này cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ban hành chính sách bảo vệ quyền lợi
Từ năm 2018 đến năm 2022, Hàn Quốc ghi nhận số lượng giáo viên bị học sinh và phụ huynh xúc phạm, đe dọa. Ước tính, hơn 1.100 giáo viên bị quấy rối. Ngoài ra, số trường hợp học sinh có hành vi vượt chuẩn với giáo viên đạt hơn 2.000 vào năm 2022.
Theo nhiều thầy cô, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là quyền hạn của giáo viên giảm. Trong đó, lệnh cấm trừng phạt thân thể có thể là nguyên nhân gián tiếp khiến quyền của giáo viên bị chà đạp.
Trước đây, Hàn Quốc cho phép giáo viên phạt thân thể học sinh vì những hành vi sai trái nhưng hình phạt đã bị cấm từ năm 2010 do lo ngại điều này vi phạm quyền về thể chất và phẩm giá của học sinh.
Giáo viên được khuyến khích áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với học sinh còn phụ huynh, học sinh được trao nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của trường. Điều đó dẫn đến sự gia tăng số vụ bạo lực đối với giáo viên.
Trước tình hình trên, hồi tháng 9, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ban hành chính sách bảo vệ quyền lợi của giáo viên và trao cho thầy cô quyền kiểm soát lớp học.
Cụ thể, giáo viên phổ thông được phép yêu cầu học sinh gây rối rời lớp và tịch thu điện thoại di động nếu các em có hành vi phá vỡ kỷ luật học tập, làm ảnh hưởng đến các bạn khác.
Nếu học sinh không tuân thủ quy tắc, giáo viên có thể thông báo hiệu trưởng để đưa ra các hình phạt. Trong tình huống khẩn cấp, giáo viên được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối nếu các em đe dọa thể chất giáo viên hoặc học sinh khác. Giáo viên cũng có thể sử dụng vũ lực nếu kỷ luật bằng lời nói không có tác dụng. Hiện nay, giáo viên bị cấm trừng phạt thân thể học sinh.
Ngoài ra, chính sách mới có thêm yêu cầu, trong trường hợp học sinh và phụ huynh không đồng tình với phương pháp giảng dạy của giáo viên, gia đình có quyền gặp hiệu trưởng để giải quyết sự việc trực tiếp.
Giáo viên và phụ huynh có thể gặp gỡ và trao đổi với nhau. Tuy nhiên, việc trao đổi diễn ra trong giờ làm việc của giáo viên và phải được lên lịch trước. Buổi trao đổi chỉ được thực hiện khi giáo viên và phụ huynh tuân thủ quy tắc trên.
Trong trường hợp phụ huynh có hành vi quấy rối, mắng chửi hoặc bạo lực thể chất, giáo viên có quyền chấm dứt gặp gỡ phụ huynh. Giáo viên có thể từ chối gặp hoặc trao đổi với phụ huynh ngoài giờ làm việc.
Tỷ lệ giáo viên bị học sinh bắt nạt, quấy rối và đe dọa tại Mỹ tăng. Ảnh: Getty Images.
Xu hướng bạo lực giáo viên gia tăng
Tại Mỹ, ngày càng nhiều giáo viên bị học sinh bắt nạt, quấy rối và đe dọa trực tiếp lẫn trên mạng.
Hiệp hội Tâm lý Mỹ chỉ ra 44% giáo viên phổ thông từng bị học sinh tấn công thể xác. 75% giáo viên từng bị học sinh quấy rối bằng lời nói. Hơn 50% giáo viên bị học sinh phá hoại tài sản cá nhân như máy tính, ôtô, điện thoại...
Tương tự, tại Canada, theo thống kê của Liên đoàn Giáo viên, tính đến tháng 9, khoảng 30% giáo viên phổ thông từng bị bạo lực hoặc lạm dụng trong 5 qua, gây tổn hại về thể chất lẫn tinh thần.
Theo các chuyên gia giáo dục, ngành Giáo dục có nhiều vấn đề cần giải quyết. Về phía giáo viên, các trường học, cơ quan giáo dục cần tăng cường bảo vệ giáo viên bằng cách nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh về quyền hạn của giáo viên; nghiêm khắc thực hiện các quy định xử phạt khi học sinh có hành vi vi phạm... Ngành Giáo dục có thể tổ chức các chương trình đào tạo giúp giáo viên biết cách xử lý khi bị đe dọa hay bạo lực; quan tâm, chăm lo sức khoẻ tâm thần của giáo viên.
Về phía học sinh, ngành Giáo dục cần tăng cường hỗ trợ sức khoẻ tâm thần tại trường học để giảm thiểu các hành vi bạo lực.
Quyền kiểm soát là một trong những yếu tố quan trọng giúp giáo viên Phần Lan quản lý lớp học hiệu quả. Nước này cũng là quốc gia sở hữu nền giáo dục chất lượng, nơi học sinh được phát triển đảm bảo an toàn, hạnh phúc và toàn diện. Giáo viên được tôn trọng, yêu mến.
Cụ thể, ban giám hiệu các trường phổ thông trao quyền cho phép giáo viên tự quản lý lớp học, tự do sáng tạo phương pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu học tập của từng học sinh. Trong lớp học, giáo viên là người có quyền quyết định cao nhất, không bị ảnh hưởng bởi lãnh đạo.
Vì vậy, trong tiết học và trong trường học, học sinh phải nghe lời, tuân thủ quy định của giáo viên và hợp tác với giáo viên để các hoạt động học tập diễn ra hiệu quả, xuyên suốt.