Ngày 15/4, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết nhóm tham gia khảo sát là toàn bộ giáo viên tiếng Anh của thành phố, từ cấp tiểu học đến THPT. Theo thống kê đầu năm học của Sở, số này là hơn 47.000 người.
Các thầy cô làm bài trong 90 phút bằng hình thức trực tuyến, gồm kỹ năng nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR), từ A1 đến C2. Sở cho biết bài khảo sát do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge thiết kế, bảo đảm tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao.
Thời gian khảo sát từ ngày 23 đến 29/4, được chia ca theo từng quận, huyện:
Thời gian | Khu vực thực hiện khảo sát |
Ngày 23/4 | Trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học |
Ngày 24/4 | Trường tiểu học, THCS tại quận 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận và huyện Củ Chi |
Ngày 25/4 | Trường tiểu học, THCS tại quận 6, 11, Gò Vấp và huyện Hóc Môn |
Ngày 26/4 | Trường tiểu học, THCS tại quận 3, 4, 8 và Bình Tân |
Ngày 27/4 | Trường tiểu học, THCS tại quận 10, 12, Tân Bình và huyện Nhà Bè |
Ngày 28/4 | Trường tiểu học, THCS tại quận 1, 5, Tân Phú và huyện Bình Chánh. |
Ngày 29/4 | Trường tiểu học, THCS tại TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ và các giáo viên chưa tham gia khảo sát |
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết đây là đợt khảo sát năng lực tiếng Anh quy mô lớn nhất với giáo viên. Qua đây, Sở đánh giá toàn diện thực trạng năng lực tiếng Anh của đội ngũ, xác định thế mạnh, hạn chế để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.
Ngoài ra, căn cứ kết quả khảo sát và các yếu tố khác, ngành giáo dục thành phố sẽ đề xuất nội dung, lộ trình, nhằm xây dựng đề án từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, như kết luận 91 của Bộ Chính trị.
Cách đây 4-5 năm, Hà Nội và Nghệ An cũng tổ chức khảo sát năng lực ngoại ngữ của giáo viên tiếng Anh, nhưng theo chuẩn IELTS hoặc TOEIC để có giải pháp bồi dưỡng, nâng chuẩn.

Giáo viên trường Tiểu học Đặng Trần Côn tham gia hoạt động bồi dưỡng chuyên môn trong hè, tháng 8/2024. Ảnh: Phạm Hà
Lệ Nguyễn