Bùi Bình Minh, học sinh lớp 12, trường Quốc tế Anh (BIS) tại TP HCM, nhận tin trúng tuyển Đại học Stanford, bang California, hôm 29/3. Đây là một trong 8 ngôi trường danh tiếng - Ivy League của Mỹ. Theo QS 2025, trường xếp thứ 6 thế giới, học phí hàng năm hơn 67.000 USD (trên 1,7 tỷ đồng).

Ngoài Stanford, Minh còn đỗ nhiều trường trong top 20 của Mỹ như Pennsylvania, Duke, Northwestern, Đại học California tại Los Angeles...

"Cả nhà em rất vui. Mọi người cũng đau đầu lựa chọn học trường nào", nam sinh kể. "Em chốt Stanford vì ngành Kinh tế ở đây đứng thứ ba thế giới".

minh-1744383041-2436-1744384515.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9upj7Lz9Wo7ZMM9GHGUYxQ

Bùi Bình Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nam sinh kể thích du học từ năm lớp 6, 7, khi xem các video chia sẻ cuộc sống của du học sinh Việt Nam trên YouTube. Tới cấp ba, em xác định được mục tiêu rõ ràng, là theo ngành Kinh tế.

Cuối năm lớp 10, em tham gia kỳ thi Olympic Kinh tế Việt Nam (VEO), vào vòng quốc tế và được giải đồng. Được bạn bè và các anh, chị từng tham gia truyền cảm hứng, Minh có thêm động lực theo đuổi môn này.

Ở trường, Minh học chương trình IB (Tú tài quốc tế) với 6 môn, chọn Kinh tế là môn chính cùng Toán và Khoa học. Thời gian trên lớp, Minh cố gắng hoàn thành hết bài tập, tranh thủ chuẩn bị tài liệu để đến lúc thi không bị vội. Về nhà, em làm đề các năm để quen dạng bài.

Minh cũng đặt mục tiêu mỗi ngày dành 5-10 phút đọc tin tức trên The Economic Times, Financial Times hoặc các báo tiếng Việt để biết "xung quanh đang diễn ra chuyện gì".

Nam sinh bắt tay làm hồ sơ du học vào cuối năm lớp 11. Vì vừa học trên lớp, vừa lo bài thi chuẩn hóa SAT, tham gia hoạt động ngoại khóa và chuẩn bị bài luận, Minh thấy quá tải.

"Đó là thời gian em bận rộn nhất. Em thường phải thức tới 2-3h", nam sinh kể.

Thấy không ổn, Minh điều chỉnh, lập thời gian biểu mỗi ngày, san bớt công việc ngoại khóa cho các bạn và dành một tiếng để tập thể dục.

Sau khi thi SAT lần đầu, đạt 1450/1600 điểm, Minh quyết tâm ôn, thi lại 5-6 lần để được 1570 superscore (tổng điểm cao nhất của từng phần thi trong tất cả lần thi). Hồi giữa tháng 2, em cũng đạt điểm IB dự đoán 45/45.

Minh nhận định trong hồ sơ du học Mỹ, bài luận khó và cần dành nhiều thời gian nhất. Em phải viết một bài chính và 8 bài phụ khi ứng tuyển Đại học Stanford.

Bài luận chính 650 từ yêu cầu chia sẻ câu chuyện nhằm làm toát lên cá tính, con người của ứng viên. Minh chọn kể về bố, qua đó nói đến lý do muốn học ngành Kinh tế.

Nam sinh cho hay thời trẻ bố em bán kem trước cổng các trường học để kiếm sống. Minh thấy công việc này vất vả nhưng có ngày bố em vẫn trở về tay trắng vì không bán được hàng. Khi lớn lên, biết đến khái niệm "intergenerational income elasticity" (độ co giãn thu nhập giữa các thế hệ) trong môn Kinh tế học, em nhận ra những gì bố mình trải qua không chỉ là câu chuyện cá nhân mà là một phần của bức tranh lớn về bất bình đẳng cơ cấu.

Minh cũng nhận thấy phần lớn học sinh phổ thông ở Việt Nam chưa được tiếp cận với môn học này. Điều đó thôi thúc nam sinh mở các chương trình chia sẻ kiến thức cơ bản về Kinh tế, hy vọng tạo nên thay đổi có ý nghĩa.

Bài luận này được em hoàn thành trong khoảng hai tháng, qua 12 bản nháp.

minh1-1744383057-9797-1744384515.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4iZp-3DqHY1qy-hCApf85w

Minh thiết kế thiệp mừng sinh nhật bố năm lớp 7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong 8 bài luận phụ, Minh thích nhất bài viết 250 từ, là thư gửi bạn cùng phòng tương lai. Minh mong có thể gặp bạn vào buổi sáng ở quán phở, buổi trưa đuổi theo những con mèo trong khuôn viên, buổi chiều ở phòng tập gym, còn tối cùng học ở thư viện.

"Bài không chỉ thể hiện màu sắc cá nhân mà còn để hội đồng tuyển sinh thấy em am hiểu về các cơ sở vật chất của trường. Em kể rõ tên của câu lạc bộ hay phòng gym ở Stanford", nam sinh cho hay.

Minh nộp hồ sơ hồi đầu tháng 1, được mời phỏng vấn sau đó một tháng. Cuộc trò chuyện diễn ra qua zoom, trong khoảng một tiếng với cựu sinh viên Stanford người Việt.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, cố vấn của Minh, đánh giá thế mạnh học thuật và các hoạt động cộng đồng đã giúp em chinh phục Stanford.

"Bạn ấy khiêm tốn, cần cù, cẩn thận và biết quan tâm người khác. Minh từng kinh doanh trà để có lợi nhuận quyên góp thiện nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung", chị Trâm cho biết.

Đầu tháng 9, Minh sẽ sang Mỹ du học. Em hiện dành thời gian tập thể thao để tăng cường sức khỏe và tranh thủ học lái xe. Minh dự định về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp.

minh2-1744384149-3945-1744384515.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SqM7EEvOpTFh6ngk-6WCUQ

Bình Minh cùng bố mẹ và chị gái trong dịp Tết 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022