6 năm trước, người đàn ông ở Bắc Giang, làm ăn thua lỗ, phá sản, phải bán nhà, đất ở quê để trả nợ. Cú sốc khiến anh rơi vào trầm cảm nặng, phải uống thuốc và trị liệu tâm lý. Khi thu nhập dần ổn định, bắt đầu vực dậy được kinh tế, Kiên vẫn bị tâm lý sợ tiền ám ảnh, không dám sử dụng tiền. Người đàn ông gần như không muốn chi tiêu bất kỳ khoản gì, tích trữ mì gói và thực phẩm giá rẻ trong nhà để ăn dần, các hóa đơn điện nước thường xuyên chậm thanh toán.

"Bố mẹ tôi phải bán hết tài sản để giúp tôi gồng gánh trả nợ, cho đến giờ tôi thực sự không dám cầm đồng tiền, chứ chưa nói đến tiêu", anh nói.

Dần dần, nỗi sợ lan sang các đồ vật có giá trị như trang sức, vàng, kim cương hoặc các vật dụng đắt tiền khác. Khi chứng kiến người khác tiêu tiền một cách phù phiếm, lãng phí, cơn giận trong anh Kiên cũng bị kích hoạt.

Anh từ chối mọi mối quan hệ xã giao để hạn chế phải tiêu tiền, trở nên thu mình, khép kín, suy nghĩ tiêu cực, được người nhà đưa đến Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, hồi giữa tháng 8.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc, chẩn đoán bệnh nhân mắc trầm cảm thứ phát, trên nền hội chứng sợ tiền. Người đàn ông được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp nhận thức hành vi. Hình thức trị liệu này giúp mọi người nhận ra các suy nghĩ bất hợp lý và hành vi có vấn đề do chứng ám ảnh gây ra. Từ đó, hướng dẫn người bệnh phát triển các suy nghĩ và hành vi lành mạnh để chống lại chứng sợ hãi.

5bea428e3afa94a4cdeb-172433057-7863-6368-1724330649.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NPSht2eLXLbetlawhEicrA

Điều dưỡng chăm sóc một bệnh nhân tại viện. Ảnh: Phương Thảo

Bác sĩ Thu nói đa số mọi người đều có nỗi lo về tiền bạc, nhưng một số ít mắc chứng tâm lý đặc biệt, còn gọi Chrometophobia - sợ tiền. Chrometophobia là một dạng ám ảnh đặc biệt với cảm giác sợ hãi, lo lắng cực độ khi tiếp xúc với tiền, hoặc thậm chí khi nghĩ về tiền bạc. Chưa có thống kê về tỷ lệ mắc bệnh, song bác sĩ Thu nhận định bệnh khá hiếm gặp, trường hợp trên là bệnh nhân đầu tiên bà từng tiếp nhận tư vấn điều trị.

Những người từng gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng có thể phát sinh chứng sợ tiền. Các biến cố tạo nên sang chấn tâm lý khiến não bộ thay đổi, làm lệch lạc thế giới quan về tiền bạc, khiến họ lo lắng sự việc có thể tái diễn. Nguyên nhân còn liên quan đến yếu tố di truyền, một người dễ mắc chứng ám ảnh sợ nếu trong gia đình của họ cũng có người mắc tình trạng tương tự. Mặt khác, một số nảy sinh hội chứng mà không có lý do cụ thể.

Chrometophobia có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người mắc, khiến họ từ chối mọi nhu cầu liên quan đến việc tiêu tiền, thậm chí chi tiêu cho các vấn đề sức khỏe. Việc sử dụng các thực phẩm giá rẻ, hết hạn cũng tác động xấu lên cơ thể. Các mối quan hệ xã hội đứt gãy đẩy người bệnh vào trạng thái tâm lý cô độc, tiêu cực, phát sinh thêm bệnh tật.

Như với bất kỳ chứng ám ảnh nào khác, Chrometophobia có thể được điều trị hiệu quả bằng liệu pháp nhận thức hành vi, kỹ năng quản lý lo âu như thiền và chánh niệm. Bên cạnh đó, mỗi người cần có cách ứng phó riêng, chẳng hạn ghi chép tất cả khoản chi tiêu quan trọng, nhờ thành viên khác trong gia đình lập kế hoạch chi tiêu và duy trì thói quen chi tiêu lành mạnh.

"Tiêu nhiều tiền có thể khiến bạn thiếu tiền hơn về lâu dài. Nhưng tiền không phải là tất cả, sức khỏe tinh thần và chất lượng sống quan trọng hơn nhiều", bác sĩ nói.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022