Lê Tuấn Minh hiện là học sinh lớp 8I, trường Quốc tế True North. Trong lần thi IELTS đầu tiên hôm 31/3, em đạt 7.5 điểm Viết (Writing), ba kỹ năng còn lại đều 8.5.
"Em rất bất ngờ, nhất là Viết. Trong các lần thi thử, em chỉ đạt khoảng 6-7 điểm ở kỹ năng này", Minh nói, cho biết thi IELTS để thử sức và bổ sung hồ sơ học tập.
Thầy Yasar Saleem, giáo viên tiếng Anh ở lớp của Minh, nhận xét mức 8.5 với một học sinh lớp 8 là xuất sắc.
"Điểm số này khó đạt được ngay cả với những bạn cấp ba. Vì thế, kết quả cho thấy khả năng tiếng Anh vượt bậc và vốn kiến thức rộng của bạn ấy", thầy Saleem chia sẻ.
Theo thống kê trên trang chủ IELTS, chỉ khoảng 1% người thi ở Việt Nam đạt mốc điểm 8.5 trở lên.

Lê Tuấn Minh trong khuôn viên trường, hôm 2/4. Ảnh: Bình Minh
Minh kể bắt đầu tìm hiểu về IELTS từ năm ngoái, nghiên cứu cấu trúc và các dạng bài. Xác định mục tiêu hết lớp 8 phải đạt 8.0, Minh đăng ký lớp ôn luyện hai buổi một tuần. Ngoài học thêm, nam sinh mua tài khoản trên trang luyện thi, đặt mục tiêu làm 1-3 đề ở từng kỹ năng mỗi ngày.
"Em thường luyện vào buổi tối, sau khi đã xong hết bài vở trên lớp", Minh nói.
Trước lúc thi, em chưa tự tin ở kỹ năng Viết và sợ gặp dạng khó như biểu đồ hay so sánh số liệu ở bài Task 1. Thí sinh phải nhóm dữ liệu để thấy được xu hướng và điểm nổi bật. Nhưng nam sinh may mắn không gặp dạng này. Đề bài chỉ yêu cầu em miêu tả các bước sử dụng một chiếc máy bơm năng lượng mặt trời, bơm nước lên từ giếng, sau đó cho vào bể lọc, ra nước uống.
Với Task 2, Minh được yêu cầu tìm ra vấn đề và giải pháp khi nhiều người trung niên phải cạnh tranh với người trẻ để tìm kiếm việc làm. Minh nhìn nhận vấn đề là việc làm có hạn còn số người xin việc nhiều. Tuy nhiên việc này có thể dễ dàng được giải quyết khi ngày càng có nhiều công nghệ mới xuất hiện, tạo ra nhiều việc làm liên quan AI (Trí tuệ nhân tạo). Những công việc mới sẽ thu hút người trẻ và tạo ra sự cân bằng.
Nam sinh cho biết lúc đầu bối rối nhưng cố gắng đọc kỹ đề. Nghĩ ra ý tưởng nào cho Task 2, em ghi ra, sau đó sắp xếp thành dàn ý. Nhờ được tiếp xúc nhiều với những chủ đề về công nghệ, AI ở trường, Minh nhanh chóng có các ý tưởng cho bài viết.
Với bài Đọc (Reading), Minh thấy khó nhất dạng Matching Headings (tìm tiêu đề cho đoạn văn). Em nhìn nhận tiêu đề thường có nhiều hơn đoạn văn và nội dung na ná nhau nên dễ nhầm. Cách của Minh là nhìn kỹ cấu trúc, câu chủ đề, các ý trong thân bài và câu kết đoạn. Nếu tất cả cùng bổ sung ý nghĩa cho một tiêu đề, em sẽ chọn đáp án đó.
Với hai kỹ năng Nghe (Listening) và Nói (Speaking), Minh tự tin vì học trong môi trường quốc tế, phải sử dụng tiếng Anh hàng ngày.
Theo nam sinh, kết quả đạt được là nhờ được gia đình cho tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm. Chị Mẫn Thị Minh Phương, mẹ Minh, cho biết từ năm 3-4 tuổi, con đã làm quen với các bộ phim hoạt hình vui nhộn bằng tiếng Anh.
"Tôi bám vào câu 'nghe được sẽ nói được, đọc được sẽ viết được' để cho Minh nghe, đọc những thứ con thích bằng tiếng Anh và ngấm một cách tự nhiên", chị Phương chia sẻ.
Từ lớp 1 đến lớp 4, Minh học "trường làng". Hàng tuần, chị Phương cho con học thêm một buổi tiếng Anh, còn lại dành thời gian vào kỹ năng nghe. Cuối tuần, chị đưa Minh lên Hồ Gươm để bắt chuyện, giao tiếp với du khách nước ngoài. Ngoài ra, Minh đọc sách, tài liệu và tìm hiểu các lĩnh vực khác như lập trình, robot bằng tiếng Anh.
Thỉnh thoảng, chị Phương sẽ cho con học một khóa ngắn để cải thiện kỹ năng chưa tốt và thi chứng chỉ Cambridge để biết trình độ. Nhờ đó, hết tiểu học, Minh giành học bổng của nhiều trường quốc tế.
Minh dự định năm sau sẽ thi lại và cố gắng duy trì mức điểm 8.5 để có lợi thế ứng tuyển đại học sau này.
Bình Minh