Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nêu quan điểm trên tại Hội nghị hướng dẫn quy chế thi tốt nghiệp THPT, ngày 3/4.

Ông dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn rằng Bộ không khuyến khích thầy cô tình nguyện dạy thêm quá nhiều mà cần dạy đúng giờ chính khóa, đổi mới phương pháp, phân chia các nhóm học sinh theo năng lực để ôn tập.

Theo ông, có nhiều phương thức ôn tập như học nhóm, thuyết trình, tổ chức ôn thi trên truyền hình để mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận giáo viên giỏi. Trách nhiệm ôn tập cho học sinh lớp 12 thuộc về nhà trường, thầy cô. Học sinh yếu kém có nhiều nguyên nhân, một phần do dạy học chính khóa chưa tốt.

"Không được lấy lý do bao biện chất lượng thi tốt nghiệp giảm sút là vì thực hiện Thông tư 29. Địa phương nào lấy lý do này chứng tỏ lâu nay không thực hiện tốt việc dạy học chính khóa, thiếu trách nhiệm với học sinh, phụ huynh", ông Thưởng nói.

Thông tư 29 quy định các trường dạy thêm miễn phí với ba nhóm: chưa đạt, học sinh giỏi và cuối cấp (tự nguyện). Sau khi thông tư có hiệu lực, từ giữa tháng 2, nhiều địa phương, nhà trường vận động giáo viên dạy thêm miễn phí cho học sinh cuối cấp. Lý do là kinh phí có hạn và đã được phân bổ cho nhiều nội dung, hoạt động khác từ đầu năm.

aa23575763c7d3998ad6-174366639-3156-8645-1743667044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7LaS_mTyvyOff--uu63ytw

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lưu ý các vấn đề ôn thi tốt nghiệp THPT, ngày 3/4. Ảnh: Lệ Nguyễn

Tại hội nghị, Thứ trưởng đề nghị 100% trường THPT tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 do 2025 là năm đầu thi theo chương trình mới. Ông lưu ý thi thử nhưng phải vận hành, đánh giá, làm bài thật. Dựa vào kết quả này, thầy cô phân tích xem học sinh thiếu kỹ năng, kiến thức nào để bổ sung, ôn tập. Mặt khác, tổ chức thi thử giúp thầy cô làm quen với cách vận hành, xếp phòng, phát đề thi theo kiểu mới.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 26-27/6 với hai lịch thi cho nhóm thí sinh học chương trình mới (2018) và cũ (2006).

Nhóm thí sinh thi tốt nghiệp lần đầu phải làm bốn bài thi, bắt buộc có Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn hai môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).

Trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp, điểm các môn thi chiếm 50%; còn lại là điểm học bạ lớp 10, 11 và 12 (50%) và điểm ưu tiên nếu có. So với trước, điểm học bạ tăng 20%.

Thí sinh thi theo chương trình cũ (chương trình 2006) sẽ làm bài thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, cùng một trong hai bài Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022