Chiều 3/4, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trả lời báo chí về quy chế tuyển sinh đại học 2025, trong đó nêu lý do và nguyên tắc quy đổi điểm xét tuyển.

- Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có điểm mới nổi bật nào, thưa ông?

- Quy chế tuyển sinh đại học năm nay có hai điểm mới nổi bật là bỏ xét tuyển sớm và quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ.

Việc bỏ xét tuyển sớm nhận được sự đồng thuận cao. Với quy đổi điểm, chúng tôi đã xin ý kiến các trường, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh, và các nhà khoa học. Bộ cũng nhận được sự đồng thuận.

Tôi muốn nhấn mạnh việc quy đổi này không áp dụng với những ngành chỉ sử dụng một phương thức, ví dụ như xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc xét điểm thi đánh giá năng lực. Chỉ những ngành, chương trình có nhiều phương thức xét tuyển mới phải quy đổi, để đảm bảo điểm chuẩn vào cùng một ngành có sự tương đương, đánh giá đúng năng lực cốt lõi của người học.

- Lý do để Bộ đưa ra quy định này?

- Quy định này xuất phát từ bất cập lớn ở các năm trước. Khi đó, các trường đại học phân chia chỉ tiêu theo từng phương thức, sau đó sẽ lấy điểm trúng tuyển của từng phương thức dựa trên số chỉ tiêu đã phân chia. Cách làm này hầu như không có căn cứ khoa học, lại tạo ra kẽ hở cho tiêu cực.

Ví dụ, một ngành nào đó có chỉ tiêu là 200, tuyển bằng hai phương thức, mỗi phương thức 100 sinh viên. Để tuyển đủ, không trường nào gọi vừa đủ theo chỉ tiêu, mà đều gọi chênh lên để sau lọc ảo là vừa. Khi đó, một trường có thể nâng chỉ tiêu của phương thức này lên thành 120 và giảm ở phương thức còn lại xuống còn 80. Việc này dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch. Đây là điều nguy hiểm nhất buộc cơ quan quản lý nhà nước phải quy định lại.

Việc đưa ra điểm chuẩn dựa trên phân tích và quy đổi tương đương giữa các phương thức có tính khoa học và bảo đảm tính công bằng hơn rất nhiều so với việc quyết định điểm chuẩn qua phân chia chỉ tiêu.

Có một số ý kiến cho rằng không thể quy đổi tương đương kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực như SAT, HSA với thi tốt nghiệp THPT. Tôi cũng đồng ý. Tuy nhiên, nếu như các kỳ thi đánh giá những năng lực khác nhau của thí sinh thì không thể dùng nó để đánh giá thí sinh thi vào cùng một ngành. Bởi nếu vào cùng một ngành, thí sinh phải có năng lực cốt lõi đáp ứng yêu cầu giống nhau hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ.

Khi cùng đánh giá một năng lực, điểm trúng tuyển giữa các phương thức phải quy đổi được.

Thu-truong-Hoang-Minh-Son-1743-5994-5746-1743673183.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0Vk6e9HH7GcvNzkKDuc3hQ

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí về quy chế tuyển sinh đại học 2025, ngày 3/4. Ảnh: Trần Hiệp

- Vậy việc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức được thực hiện như thế nào để đảm bảo khoa học?

- Có nhiều phương pháp quy đổi mà các nhà toán học, nhà khoa học rất quen với việc này.

Thứ nhất là phương pháp phân vị. Chúng ta lấy dữ liệu của một lượng lớn thí sinh có cả kết quả thi tốt nghiệp, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, sau đó xét theo các mốc điểm.

Chẳng hạn, các trường lấy top 1% thí sinh của tất cả phương thức. Điểm để đạt top 1% này theo kết quả thi đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp THPT là bao nhiêu thì đó sẽ là mức tương đương.

Tiếp đó, các trường lại xem mốc điểm để đạt top 5%, 10% là ở khoảng nào của từng phương thức, sau đó sẽ đưa ra ngay được mức tương đương của hai loại điểm đó.

Cách thứ hai là hồi quy tuyến tính. Ví dụ, một trường lọc ra các thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT trong khoảng 20-21. Sau đó xem những em này có điểm thi đánh giá năng lực trong khoảng nào, rồi dùng phương pháp xấp xỉ tuyến tính để ra được khoảng điểm tương ứng giữa hai phương thức.

Ngoài ra còn một số phương pháp khác.

Nói chung, về mặt khoa học, tính toán, điều này khá đơn giản và các trường đều có thể làm được.

Screen-Shot-2025-04-03-at-16-2-7864-1294-1743673184.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CI2iS9DItIUeIkjp9si5KQ

Một ví dụ quy đổi điểm tương đương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Việc quy đổi điểm tương đương theo hướng dẫn chung của Bộ có làm giảm quyền tự chủ của các trường?

- Mọi quyền tự chủ của các trường đều phải đảm bảo nguyên tắc của tuyển sinh là đảm bảo chất lượng, độ tin cậy và công bằng.

Ban đầu, Bộ chỉ đưa vào dự thảo quy chế là các trường phải quy đổi tương đương và giải trình được căn cứ đưa ra công thức quy đổi như vậy. Ví dụ điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp là 25/30 vì sao tương đương với 120/150 điểm thi đánh giá năng lực. Bộ không có ý định đưa ra hướng dẫn và khung quy đổi chung. Nhưng sau đó, các trường đề nghị Bộ làm việc này bởi Bộ có đầy đủ dữ liệu điểm các kỳ thi của thí sinh.

Thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra khung quy đổi với các phương thức, tổ hợp phổ biến. Nhưng đó không phải là công thức quy đổi chung cho tất cả trường và ngành. Từ đó, các trường hoàn toàn có thể điều chỉnh theo đặc thù.

Một điểm nữa là Bộ đưa ra khung quy đổi chung mới chỉ dựa trên điểm thi của các em. Khi xây dựng công thức, các trường sẽ phải dựa thêm vào kết quả học tập sau 1-2 năm tại trường của sinh viên ở các phương thức khác nhau. Sau đó, các trường đánh giá sinh viên trúng tuyển bằng điểm chuẩn, phương thức này có kết quả tương quan ra sao với những em vào trường bằng phương thức khác để điều chỉnh công thức cho phù hợp. Đó là trách nhiệm và quyền tự chủ của các trường.

- Với những thay đổi trên, ông lưu ý gì với thí sinh?

- Từ năm ngoái, thí sinh không phải lựa chọn phương thức xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ mà chỉ phải đăng ký ngành. Phần mềm sẽ tự chọn xem tổ hợp, phương thức nào tốt nhất cho các em.

Năm nay cũng vậy. Các em cũng không cần quan tâm đến công thức quy đổi điểm tương đương. Việc này là của các trường.

Các trường sẽ công bố việc quy đổi tương đương và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát xem có hợp lý không. Các trường sẽ không thể lạm dụng việc tăng - giảm chỉ tiêu ở từng phương thức, khiến điểm chuẩn có sự chênh lệch. Vì vậy, các em không phải băn khoăn gì.

Những gì Bộ làm đều nhằm tạo công bằng và tốt hơn cho thí sinh. Các em không phải làm thêm gì cả.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022