Quan điểm này được ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 8/5, về chủ trương tăng bảo vệ cho doanh nghiệp tư nhân tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

- Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Với quan điểm đột phá, theo ông, nghị quyết này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng trên 8% năm nay, tăng trưởng hai chữ số những năm tới?

- Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là thay đổi rất lớn về tư duy quản lý. Trước đây, kinh tế tư nhân chưa được coi trọng, thì giờ vị thế, vai trò của họ được khẳng định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Quan điểm, tư duy quản lý đổi mới này tạo nền tảng cho những thay đổi tiếp theo trong thực thi. Chẳng hạn, quan điểm về lập pháp gần đây thay đổi theo hướng luật chỉ quy định khung, không can thiệp và "cầm tay chỉ việc ", để người thực hiện có đất sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách, 82% lao động và khoảng 50% GDP. Khu vực này có tiềm năng rất lớn, họ có ưu điểm là sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tiếp cận cái mới.

Vì vậy, Nghị quyết 68 ra đời với tư duy đổi mới mang tính bước ngoặt, đột phá sẽ huy động hết tiềm năng, lợi thế của kinh tế tư nhân để họ trở thành lực lượng tiên phong, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này tạo đà cho phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới.

Hoang-Van-Cuong-1746683964-1268-1746691418.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aG5-ZxLkWILiyVaGb2Up_w

Ông Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

- Một trong những thay đổi tư duy tại Nghị quyết 68 là chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, cho phép doanh nghiệp, doanh nhân chủ động khắc phục sai phạm. Ông nhận định ra sao về thay đổi này?

- Tôi cho rằng chủ trương ưu tiên dùng các biện pháp kinh tế thay thế cho hình sự là có cơ sở. Đây không phải là nương nhẹ cho khu vực tư nhân, bởi về nguyên tắc những gì ở giữa ranh giới thì chúng ta cần lựa chọn cách xử lý có lợi hơn.

Bản chất của doanh nghiệp, doanh nhân là tạo ra của cải, nguồn lực, việc làm cho xã hội, nền kinh tế. Họ sẽ tận dụng mọi phương thức kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, nhưng mức lời càng cao, rủi ro về kinh tế hay pháp lý càng lớn.

Khi doanh nhân vướng sai phạm, chúng ta cần xem động cơ của họ là gì. Nếu họ hành động để tạo ra tiềm lực kinh tế thì phải giải quyết những sai phạm này bằng công cụ kinh tế, tạo cơ hội cho họ khắc phục. Bởi nếu xử lý hình sự, họ sẽ không có cơ hội, điều kiện bù đắp thiệt hại, quay trở lại kinh doanh để đóng góp cho xã hội.

- Trong xử lý vi phạm, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu phải bóc tách trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp. Ông đánh giá khả năng khắc phục bất cập lâu nay, là khi cá nhân bị xử lý vi phạm khiến doanh nghiệp đình trệ, đến đâu?

- Thực tế, pháp luật hiện hành không đánh đồng trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân doanh nghiệp. Xử lý cá nhân sai phạm không có nghĩa bắt doanh nghiệp phải đóng cửa.

Tuy nhiên, thực tế có những yếu tố quan hệ với nhau, ví dụ quyết định, quyền của cá nhân đó ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, nếu không xử lý kịp thời, không bóc tách trách nhiệm sẽ khiến việc xử lý cá nhân ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Nghị quyết 68 yêu cầu khi xử lý những quan hệ của cá nhân thì những quyền, quan hệ của họ trong hoạt động của doanh nghiệp cần được bóc tách, tránh ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp.

Một tác động lớn hơn là về tâm lý xã hội. Khi xử lý người có trách nhiệm tại doanh nghiệp, dư luận thường nhìn nhận "doanh nghiệp có vấn đề, sẽ bị thanh tra, kiểm tra...". Chính điều này tạo ra tình trạng khủng hoảng cho doanh nghiệp.

Tôi cũng đánh giá cao nguyên tắc mỗi năm chỉ thanh, kiểm tra doanh nghiệp một lần nêu tại nghị quyết. Bởi quy định này thể hiện bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, trừ trường hợp vi phạm phải thanh tra theo yêu cầu, vụ việc bắt buộc.

- Các chủ trương tại Nghị quyết 68 được đánh giá là bước ngoặt của tư duy đổi mới. Vậy theo ông, khâu thực thi của các cấp, ngành cần ra sao để thể chế hóa quan điểm này vào thực tế?

- Nghị quyết 68 đề ra chủ trương chuyển hướng từ quản lý sang kiến tạo. Tức là các cơ chế, chính sách đưa ra cần tạo điều kiện, môi trường để doanh nghiệp, doanh nhân được tự do hoạt động, kinh doanh. Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm phải đáp ứng các yêu cầu để các doanh nghiệp.

Hiện chúng ta sửa đổi nhiều luật quan trọng, phục vụ cho quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy và sáp nhập địa phương. Chẳng hạn, dự thảo Luật Cán bộ công chức đưa ra quan điểm mới trong quản lý cán bộ, công chức. Theo đó, cán bộ, công thức được đánh giá dựa trên vị trí việc làm, hiệu quả công việc. Nếu không hoàn thành họ sẽ bị loại khỏi bộ máy, không còn chuyện "công chức suốt đời".

Nói vậy để thấy chúng ta phải xóa bỏ những gì là rào cản cản trở sự phát triển, như thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... để có những doanh nghiệp quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh khu vực, toàn cầu.

Với doanh nghiệp chấp hành tốt, việc thanh, kiểm tra là không cần thiết vì mất thời gian của cả hai bên, có thể gây tâm lý tiêu cực. Thay vào đó, chúng ta nên quản lý rủi ro, tức là chỗ nào thấy có rủi ro thì quản, tức là chỗ nào thấy có rủi ro thì quản.

Hiện có nhiều công cụ để quản lý doanh nghiệp chứ không nhất thiết chỉ thanh tra, kiểm tra. Việc này sẽ tạo môi trường hoạt động tốt hơn cho khu vực tư nhân thay vì làm tăng thêm các chi phí không cần thiết cho họ.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022