Hai hôm nay, luận án tiến sĩ ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội với đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, gây chú ý trên mạng xã hội.
Trang bìa luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung. Ảnh chụp màn hình
Nhiều người cho rằng luận án này "chỉ đáng đề tài khoa học cấp cơ sở, không xứng tầm tiến sĩ". Trong những ý kiến phê phán, cũng có người đặt câu hỏi về tính hữu ích của luận án, và băn khoăn liệu có thể ứng dụng thực tiễn hay không.
Theo TS Lê Văn Út, trường Đại học Văn Lang, việc có nhiều quan điểm xoay quanh luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung cho thấy cộng đồng rất quan tâm và kỳ vọng về chất lượng tiến sĩ tại Việt Nam. "Đây là tín hiệu tốt, có thể góp phần thúc đẩy chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước", ông nói.
Tuy nhiên, ông Út cho rằng không thể đánh giá một luận án tiến sĩ qua tiêu đề, mà cần căn cứ vào nội dung, kết quả, mức độ đóng góp cho chuyên ngành... "Nói một cách ngắn gọn là luận án tiến sĩ có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tối thiểu về chất lượng của cơ sở đào tạo không", ông Út nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, chỉ ra ba yếu tố là căn cứ để đánh giá một đề tài khoa học. Đầu tiên là tính mới. Ông Dũng khẳng định luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung có tính mới, ít nghiên cứu tương tự ở Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là tính thiết thực. Theo ông Dũng, nghiên cứu về cấu trúc ngực để cải thiện áo ngực có tính thiết thực rất rõ ràng. Kết quả đề tài sẽ đóng góp cơ sở dữ liệu cho các cá nhân, đơn vị thiết kế thời trang, nhằm tạo ra áo ngực phù hợp với thể hình người Việt Nam. "Chúng ta không thể cứ mãi sử dụng số đo quần áo, giày dép của phương Tây. Chưa kể, việc mặc áo ngực quá chật còn ảnh hưởng tới sự phát triển, tâm lý của thanh thiếu niên", ông Dũng nói.
Tính khoa học là yếu tố thứ ba ông Dũng đề cập. Theo ông, trong lĩnh vực may mặc, các đề tài về xây dựng thông số cơ thể là cơ sở để thiết kế các phần mềm dự báo, tư vấn trang phục phù hợp. Bên cạnh đó, việc luận án tiến sĩ lựa chọn nữ sinh miền Bắc để nghiên cứu được ông Dũng đánh giá hợp lý, bởi mỗi khu vực sẽ có đặc điểm thể trạng khác nhau, đồng thời giúp thu hẹp số mẫu cần khảo sát.
PGS.TS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và thời trang, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã có 8 công trình được công bố, trong đó có bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus (hai hệ thống dữ liệu uy tín trên thế giới, đăng tải tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học). Năm 2020, nghiên cứu sinh này cũng giành giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt Nam.
Bà Thảo khẳng định đề tài của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn với ngành công nghệ dệt, may.
"Áp lực và độ tiện nghi của áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe người mặc. Nếu áo chật, tạo áp lực lên cơ thể trong thời gian dài, người mặc có thể cảm thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương da...", bà Thảo nói.
Luận án đưa ra bốn kết luận về thiết lập hệ thống đo đồng thời áp lực áo ngực lên cơ thể người mặc bằng cảm biến khí tại 8 vị trí, 3 trạng thái tính, động, kết hợp; xác định được kích thước ngực nữ sinh miền Bắc bằng phương pháp đo 3D không tiếp xúc; phân nhóm được ngực nữ sinh miền Bắc theo ba nhóm; xác định được ảnh hưởng của các kích thước đặc trưng của ngực nữ sinh tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ. Luận án góp phần xây dựng cơ sở thiết lập hệ thống cỡ số, cải thiện độ tiện nghi và lựa chọn áo ngực nữ phù hợp.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu về áo ngực khá phổ biến trên thế giới. TS Lê Văn Út đã truy cập cơ sở dữ liệu thống kê khoa học Web of Science (Clarivate, Mỹ), gõ từ khóa "bra" (áo ngực) và nhận được 836 kết quả. "Điều này cho thấy đây là một đề tài thú vị, quan trọng và thiết thực, bởi liên quan đến thẩm mỹ và sức khỏe - hai chủ đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi lĩnh vực, không riêng khoa học", ông Út nói, đồng thời khẳng định nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã thực hiện một luận án tiến sĩ "hết sức bình thường và khoa học".
Ngoài "bra", theo PGS.TS Phan Thanh Thảo, 15 năm qua các nghiên cứu về áo ngực và ngực phụ nữ là vấn đề có tính thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và được thể hiện qua các từ khóa nổi bật khác như "breast" (bầu ngực", "pressure comfort" (độ tiện nghi áp lực)...
Tuy nhiên, TS Lê Văn Út cũng cho rằng nghiên cứu sinh và người hướng dẫn cũng nên cân nhắc trong việc chọn tiêu đề cho luận án, sao cho vừa khoa học, vừa không tầm thường. Theo ông, thông thường tiêu đề là ấn tượng đầu tiên, đôi khi là yếu tố khiến người đọc quyết định có tìm hiểu về ấn phẩm khoa học đó hay không. Ngoài ra, với những nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, người đọc có thể dự đoán phần nào nội dung của ấn phẩm khi đọc tiêu đề. "Không nên xem nhẹ tiêu đề và các tác giả cần đầu tư cho phần này", ông Út nói.
Còn ông Dũng bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng "nhìn tên đề tài rồi chỉ trích", bởi việc này có thể làm các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học chùn bước, e dè khi chọn đề cho các công trình khoa học.
Bà Lưu Thị Hồng Nhung dự kiến bảo vệ luận án tiến sĩ vào sáng 12/10.
Thanh Hằng