Trong những ngày gần đây, chuyện lạm thu ở trường học lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Câu chuyện này không mới, đến hẹn lại lên nhưng thực tế vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả. Cuối cùng vẫn là việc không ít phụ huynh “ấm ức” nhưng vẫn phải “tự nguyện” đóng góp đầy đủ các khoản mà hội phụ huynh đã liệt kê.
Cũng vì chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu, nên càng ngày các khoản được liệt kê càng nhiều, đến nỗi nhiều phụ huynh đã không thể im lặng dù tâm niệm rằng “sự yên ổn” của con ở trường, ở lớp vẫn là ưu tiên số 1.
Theo phản ánh của báo Thanh niên mới đây, nhiều phụ huynh tại Thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, Kon Tum) phản ánh việc các trường học lạm thu nhiều khoản nằm ngoài quy định của Bộ GD-ĐT. Cụ thể trong một cuộc họp phụ huynh, giáo viên thông báo về nhiều khoản thu đầu năm học, tổng cộng là 1.247.000 đồng. Trong đó, 2 khoản thu mà phụ huynh cho rằng không nằm trong quy định của Bộ GD-ĐT là quỹ hội phụ huynh 150.000 đồng và xã hội hóa 300.000 đồng.
Phiếu dự chi của ban đại diện cha mẹ học sinh của một lớp 9 tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM (ảnh: Thanh niên)
Hay phụ huynh bức xúc việc ban đại diện cha mẹ học sinh của một lớp 9 tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM xây dựng bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động học tập năm học 2022- 2023 có tổng trị giá khoảng 270 triệu đồng với đến hơn 20 đầu mục phải thu, như: tiền bổ sung cơ sở vật chất đầu năm, chụp ảnh thẻ, phong trào báo Đội, phong trào hội khỏe Phù Đổng, thuê áo tốt nghiệp, quà 8/3 và 20/10 cho học sinh nữ, tổ chức lễ tri ân, tốt nghiệp, tiền điện cả năm có mức cho gần 38 triệu đồng, làm kỷ yếu 4 năm, liên hoan 2 học kỳ, văn nghệ 20/10, áo lớp, photo các môn và tài liệu ôn tuyển sinh lớp 10, phần thưởng 2 học kỳ, quà sinh nhật, quà tặng dự kiến chi để tặng quà ngày 20/11 cho tất cả giáo viên, ban giám hiệu, cán bộ nhân viên nhà trường, kể cả bảo vệ, lao công, văn thư, y tế, nhập liệu…
Thực tế, những chuyện như thế này không phải là lạ và mới đối với đa số phụ huynh có con đang đi học. Nhưng nó lại là câu chuyện khá “tế nhị” không phải ai cũng “dám” lên tiếng vì điều duy nhất họ ngại là ảnh hưởng trực tiếp đến con em mình.
Những ai có con đi học đều đã tham dự nhiều cuộc họp phụ huynh vào đầu năm và ngầm hiểu rằng, phần lớn các buổi họp là để “thống nhất cao” các khoản thu “tự nguyện”.
Với mỗi cha mẹ học sinh, khi tham dự các cuộc họp phụ huynh đều mong muốn biết tình hình con em học tập và tu dưỡng đạo đức ở trường như thế nào, từ đó phối hợp cùng thầy cô và nhà trường tìm các giải pháp giáo dục hiệu quả hơn.
Nhưng thực tế, các cuộc họp phụ huynh hiện nay thường chỉ gồm những thông báo ở tầm “vĩ mô” của cô giáo về thành tích của trường, lớp và thông báo các khoản phải thu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ít khi phụ huynh được trao đổi riêng và trực tiếp với cô giáo về những trường hợp cá biệt (hay đặc biệt) để có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh để có uốn năn (hay bồi dưỡng) kịp thời.
Sau phần giới thiệu về thành tích trường lớp của giáo viên chủ nhiệm, phần lớn thời gian dành cho hội phụ huynh làm việc, khi đó giáo viên ra khỏi lớp chuyện tiền nong được "tế nhị".
Thông thường, hội phụ huynh của lớp, đúng nghĩa phải là đại diện, là tiếng nói của tất cả phụ huynh trong lớp. Nhưng thực tế ngược lại, gần như chỉ nhóm nhỏ 5-7 người trong hội có giao tiếp với nhau, còn lại gần như không ai biết ai, bố mẹ của học sinh nào.
Hơn thế, “phát ngôn” của hội dù rằng dưới hình thức vận động, kêu gọi tự nguyện nhưng gần như là “mệnh lệnh” mà hầu hết các phụ huynh khác phải thực hiện. Có rất nhiều người trong buổi họp không đồng tình, thậm chí ấm ức với các khoản mục mà hội liệt kê, nhưng lại không ai dám lên tiếng bởi sợ rằng sẽ lạc lõng giữa đa số những người “đồng tình”. Mà hơn hết, họ tặc lưỡi đồng ý, tự trấn an chịu vất vả một chút, cốt sao con không là “người ngoài hành tinh” trong lớp học.
Và thường trước mỗi buổi họp, hội phụ huynh của lớp đều đã họp với ban phụ huynh của trường để thống nhất tế nhị bằng “miệng” các đầu mục phải đóng góp. Vậy nên mới có chuyện, khi phụ huynh tố cáo hay bức xúc, thì nhà trường “đàng hoàng” trả lời rằng “trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, nhà trường không niêm yết giá cụ thể mà tùy vào đóng góp của phụ huynh”.
Vẫn biết “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Hầu hết các phụ huynh đều mong muốn được bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với thầy cô, nhà trường. Những dịp 20/11 hay ngày Tết, việc đại diện cha mẹ học sinh tặng hoa, tặng quà để bày tỏ tấm lòng là việc nên làm.
Nhưng hội phụ huynh không vì bày tỏ sự tri ân một cách “quá đà” mà liệt kê ra rất nhiều các khoản thu kèm theo lên đến cả trăm triệu tiền quỹ lớp, mỗi học sinh đóng tiền triệu cho những khoản thu không cần thiết, thậm chí vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT.
Số tiền đó với những gia đình khá giả, có điều kiện đúng là không thấm vào đâu, nhưng với phần lớn gia đình mà phụ huynh là công nhân, người lao động… thì lại đang thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của họ. Còn với những gia đình nông dân, đó còn là nồi cơm của họ trong cả năm trời, thậm chí nhiều năm.
Vậy nên, những người được cha mẹ học sinh tin tưởng bầu làm đại diện cho họ cần có sự cảm thông, chia sẻ để thực sự là cầu nối giữa phụ huynh với nhà trường.
Khi có sự thấu cảm, chắc chắn sự gắn kết giữa các phụ huynh, nhà trường và hoạt động của hội phụ huynh cũng sẽ ý nghĩa và hiệu quả hơn rất nhiều./.