Căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng, Phường 5, TP Sóc Trăng, hàng ngày luôn vang tiếng ê a đọc chữ của trẻ nhỏ. Lớp học có diện tích khoảng 30 m2, cô xếp các dải ghế nhựa cao làm bàn học; ghế thấp cho học sinh ngồi.
Cô Trần Thị Mươn dạy trẻ em viết chữ tại lớp học tình thương của mình. Ảnh: An Minh
Trên vách tường, cô đặt tấm bảng đen để dạy, kế bên là bảng chữ cái cho các em mới vào học lớp 1 nhận biết. Học sinh ở đây số đông là con em người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Mươn vốn là giáo viên mầm non nhưng vì gia cảnh khó khăn nên phải nghỉ dạy để cùng chồng lo cho 3 con nhỏ ăn học. Cô đã làm đủ nghề, khi chạy xe ôm, lúc cắt lúa mướn... để kiếm tiền.
Đến năm 2000, cô được một nhà thờ gần nhà mời về dạy cho các em nhỏ khó khăn. Khu vực cô sinh sống có đông bà con đồng bào Khmer, hoàn cảnh khó khăn. Có em không cha, không mẹ, hay cha mẹ đi làm ăn xa phải ở với ông bà, cũng có trường hợp không có giấy khai sinh. Thấy nhiều em không được đến trường, cô quyết định mở lớp học miễn phí tại nhà.
"Tôi nghĩ rằng mình còn sức khỏe, tại sao lại không giúp các em biết đọc, biết chữ", cô Mươn nói.
Kể từ đó, từ thứ 2 đến thứ 6, buổi sáng cô dạy tại nhà thờ (với thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng), từ 13h đến 15h chiều, cô dạy tại nhà với hàng chục em theo học. Trong thời gian nghỉ hè, cô ưu tiên dạy cho các em học vỡ lòng. Vào năm học, cô sẽ dạy cho các em từ lớp 1 đến lớp 3. Một số em dù đang học ở trường nhưng vẫn đến lớp của cô để được kèm cặp thêm. Vì thế, cô Mươn cũng "luôn chân luôn tay", khi thì dạy các em đánh vần, lúc lại hướng dẫn làm toán, viết chính tả. Cô cũng dạy các em những bài học về đạo đức, yêu thương ông bà, cha mẹ, cách ứng xử xã hội...
"Từ ngày được cô Mươn dạy miễn phí con rất vui vì mình biết đọc, biết làm toán. Đứa em của con cũng đang được cô Mươn dạy. Cô thương chúng con lắm", Thạch Thị Như Ý, 12 tuổi, nói.
Lớp học tình thương tại nhà cô Trần Thị Mươn. Ảnh: An Minh
Theo cô Mươn vì các em đến từ nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau nên phải rất kiên nhẫn. Cái khó nhất là làm cho các em chịu vào khuôn phép. Cô rất vui khi thấy đám trẻ biết đọc, biết viết và lễ phép.
Ngoài ra, cô còn vận động hỗ trợ gạo, mì gói, nhu yếu phẩm, sách giáo khoa cũ, bút viết cho học trò của mình.
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Chủ tịch UBND phường 5, TP Sóc Trăng, cho biết địa phương ghi nhận và đánh giá cao việc làm của cô Mươn. "Lớp học tình thương của cô Mươn đã giúp nhiều trẻ em khó khăn được học chữ", ông Hiếu nói.
Cô Mươn cho biết hoàn cảnh gia đình hiện nay không còn khó khăn như trước, các con đã lớn và có việc làm ổn định. "Tôi mong mình có thật nhiều sức khỏe để duy trì lớp học tình thương, dành nhiều thời gian cho các em", cô chia sẻ.
An Minh