Với lịch nghỉ Tết 9 ngày của học sinh, chị Thanh Tuyết, phụ huynh lớp 8 tính xin cho con nghỉ thêm 2-3 ngày. Lý do là gia đình chị lái xe về Nghệ An ăn Tết, hai lượt đi-về đã mất 4 ngày.

Cũng quê miền Trung, gia đình anh Văn Thanh đã hủy kế hoạch về ăn Tết từ đầu tháng 11 vì lịch nghỉ quá ngắn. Biết tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề xuất tăng thêm hai ngày nghỉ Tết, anh thấy thuận lợi hơn song vé tàu xe hiện khó mua.

"Sở điều chỉnh quá muộn. Vé tàu, xe ngày cao điểm đã hết từ lâu", anh Thanh nói.

Cả hai phụ huynh thắc mắc sao không rút ngắn kỳ nghỉ hè, bù sang dịp Tết và cố định lịch nghỉ hàng năm để các nhà đỡ thấp thỏm. Trên các diễn đàn nhiều ngày qua, nhiều người chung câu hỏi này.

Chị Tuyết nói bất cập khi học sinh được nghỉ lễ, Tết mỗi đợt chỉ một vài ngày, chưa kịp vui chơi thoải mái đã phải quay lại trường.

"Muốn nghỉ thêm lại sợ con lỡ dở bài vở ở trường, bị trừ điểm rèn luyện, thi đua của lớp", chị Tuyết chia sẻ.

Chị Thanh Lê, phụ huynh lớp 2 tại quận Bình Thạnh, chung quan điểm. Chị Lê cho hay thực tế trong ba tháng hè, con chị chỉ được nghỉ ngơi, đi chơi khoảng một tháng. Thời gian còn lại, chị phải gửi con đến các trại hè, trung tâm học thêm bên ngoài, vì hai vợ chồng đều đi làm cả ngày.

"Nếu không cho con đi học thêm thì sợ quên kiến thức, mất thói quen học hành vì 3 tháng khá dài, chơi miết cũng chán", chị nói. Vì thế, chị nghĩ nếu các kỳ nghỉ của con được chia nhỏ và cố định, phụ huynh sẽ dễ dàng sắp xếp công việc, thay vì thấp thỏm chờ lịch nghỉ chính thức, bị động khi mua vé tàu xe, máy bay.

z5798300781866-75f9cad32278308-7743-8669-1733478444.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HJ6AVts-4gpL1o0TFDK4rA

Nữ sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong ngày khai giảng năm học 2024. Ảnh: Thanh Tùng

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh được nghỉ trọn vẹn ba tháng hè. Thời gian nghỉ Tết do các địa phương quyết định, song phải đảm bảo 35 tuần thực học trong năm.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay kỳ nghỉ hè dài 3 tháng đã có từ thời Pháp thuộc, rồi trở thành thông lệ. Lý do là thời điểm đó, Pháp cũng có kỳ nghỉ này, phần khác vì người Pháp sang Việt Nam không chịu nổi sự nóng bức của mùa hè.

"Gia đình có điều kiện sẽ cho con đi đó đây vui chơi. Ở nông thôn, các em giúp gia đình gặt hái mùa màng, phụ công việc nhà, tuyệt nhiên không có việc đi học thêm", PGS Nhĩ kể.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận kỳ nghỉ hè giờ đã bị biến tướng thành "học kỳ ba". Do đó, ngành giáo dục có thể tính toán việc chia thời gian nghỉ trong năm thành các đợt nghỉ nhỏ hơn để học sinh thực sự được nghỉ ngơi, vui chơi. Điều này cũng phù hợp với xu thế toàn cầu.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền với kinh nghiệm quản lý các trường quốc tế, song ngữ tại TP HCM, nói việc chia nhỏ kỳ nghỉ trong năm phổ biến ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản. Học sinh có 3-6 kỳ nghỉ mỗi năm, mỗi lần khoảng 1-11 tuần, dài nhất là kỳ hè. Một số trường quốc tế ở Việt Nam cũng áp dụng cách này.

Theo bà, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các kỳ nghỉ ngắn, kéo dài 1-3 tuần xen lẫn thời gian học chính khóa có lợi hơn cho học trò thay vì tập trung vào một kỳ nghỉ dài.

"Thời gian nghỉ ngắn giúp các em không đánh mất thói quen học tập, lại có thêm những trải nghiệm bên ngoài nhà trường", TS Huyền phân tích. "Giáo viên cũng được nghỉ để bồi dưỡng chuyên môn liên tục, tái tạo sức lao động. Điều này gián tiếp có lợi cho học sinh".

Cô Thu Hạnh, giáo viên THCS tại quận Gò Vấp, đồng tình nên kéo dài kỳ nghỉ Tết khoảng hai tuần, nghỉ hè muộn hơn bới không ảnh hưởng nhiều. Nhưng phương án chia nhỏ kỳ nghỉ trong năm, theo cô chưa hẳn phù hợp.

"Khi có thêm những kỳ nghỉ khác kéo dài 1-2 tuần, học sinh sẽ đi đâu, làm gì trong khi phụ huynh đi làm, không phải nhà nào cũng có thể nhờ ông bà trông con", cô nói. Hơn nữa, hè là thời gian ngành giáo dục tổ chức các kỳ thi, tuyển sinh đầu cấp khá bận rộn.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng việc thay đổi các kỳ nghỉ trong năm cho học sinh không chỉ là vấn đề nội bộ của ngành giáo dục. Bất kỳ điều chỉnh nào cũng ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt của gia đình, các hoạt động kinh tế - văn hóa liên quan.

"Hơn nữa, nghỉ học ở trường không có nghĩa các em dành toàn bộ thời gian để chơi, thư giãn. Các em cần học những kiến thức ngoài sách vở, bao gồm cả những trải nghiệm trong cuộc sống. Việc này phụ thuộc vào gia đình và xã hội", bà Thơ nói.

Tương tự, TS Huyền nói không có phương án nào đáp ứng tất cả mong đợi của người dân. Theo quan sát của bà, phụ huynh ở các nước cũng đau đầu khi kỳ nghỉ giữa bố mẹ và con cái "lệch pha". Họ phải tìm người trông coi hoặc cho con tham gia trại hè, trại đông hoặc các trung tâm ngoại khóa, kỹ năng sống.

Do đó, theo bà Thơ, nếu thay đổi, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Ngoài ra, ngành cần tính toán đến đặc điểm khí hậu, kinh tế, văn hóa địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp, không nên cứng nhắc với quy mô toàn quốc.

Còn theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nếu có nhiều kỳ nghỉ trong năm, nhà trường có thể trở thành địa điểm tổ chức các khóa thể dục thể thao, kỹ năng, năng khiếu.

"Trẻ vẫn đến trường để vui chơi, học những cái khác với tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng", ông gợi ý.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022