Tại hội nghị kết nối doanh nghiệp do trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân, tổ chức cuối tuần trước, ông Vũ Trọng Đạo, Phó Giám đốc VNPT AI, cho rằng sinh viên kinh tế không lép vế với nhóm kỹ thuật khi ứng tuyển vào các công ty công nghệ. Ông dẫn chứng vị trí Phân tích kinh doanh thường tuyển sinh viên từ trường kinh tế, vì đã có sẵn kiến thức về thị trường, chỉ cần học thêm về xử lý và phân tích số liệu.

Ông Lê Minh Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển tài chính và Công nghệ giáo dục, Tập đoàn UB, đồng tình. Ông nói đã làm việc với một số ứng viên được đào tạo ở khối kinh tế và đánh giá họ đáp ứng tốt loạt nhiệm vụ về thu thập, làm sạch, phân loại, xử lý số liệu, báo cáo theo yêu cầu dự án.

"Tôi rất hài lòng vì sinh viên tư duy tốt, thêm công nghệ là hổ mọc thêm cánh", ông Đức nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Ngọc, Giám đốc Sản phẩm dữ liệu, Ngân hàng Techcombank, các vị trí tuyển dụng ở ngân hàng khá đa dạng, không phân biệt sinh viên tốt nghiệp từ trường nào.

"Chúng tôi quan tâm là các bạn có kinh nghiệm chưa, có vượt qua các vòng tuyển dụng và đáp ứng yêu cầu công việc hay không", bà Ngọc nói.

mg-5488-jpg-1733571105-8485-1733571142.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bPA9jIhghgdW7pdQr7YClQ

Bà Nguyễn Thị Thu Ngọc tại hội thảo, hôm 7/12. Ảnh: Thanh Hằng

Các chuyên gia tuyển dụng nhìn nhận rằng dù đến từ trường nào, tất cả sinh viên đều có cơ hội bình đẳng. Điều quan trọng là các em dựa vào kiến thức nền tảng được học tại trường, chủ động tìm hiểu và học thêm nhiều kỹ năng mới để đáp ứng công việc.

"Sinh viên kinh tế mà nắm thêm kỹ thuật thì hiểu rất nhanh, còn nhóm kỹ thuật mà hiểu bản chất kinh tế thì xây dựng các mô hình rất chính xác", ông Đạo nói.

Vì thế, trường đại học cần tăng nội dung thực hành, thực tập, trao đổi sinh viên. Bà Ngọc cho biết không tuyển dụng những sinh viên "trắng" kinh nghiệm, bất kể xuất thân từ trường kinh tế hay kỹ thuật, hay chưa biết gì về văn hóa, môi trường làm việc thực tế, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình kém.

Nắm bắt yêu cầu từ doanh nghiệp, để tăng tính "thực tiễn" trong chương trình đào tạo, TS Trần Đức Minh, khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết đã mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình và giảng dạy.

Khoa cũng thành lập các nhóm nghiên cứu sinh viên để tham gia vào các dự án của doanh nghiệp.

"Sinh viên của tôi đang làm với một doanh nghiệp về nông nghiệp, tìm giải pháp tối ưu hóa lượng thức ăn nuôi cá tầm để tránh lãng phí thức ăn, giảm mức độ ô nhiễm nước, từ đó tiết kiệm chi phí nhân công, thực phẩm", ông Minh kể. "Một nhóm khác đang phối hợp với ngân hàng, nghiên cứu công cụ xác định gian lận trong giao dịch tài chính; nhóm khác lại tìm cách quản lý và tối ưu hóa lịch phát sóng truyền hình".

Ở quy mô cấp trường, TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết từ năm nay, tất cả sinh viên được học môn Khoa học dữ liệu cơ bản trong kinh tế và kinh doanh với ba tín chỉ. Môn này cung cấp kiến thức cơ bản về dữ liệu, cách thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu gắn với môi trường kinh tế.

mg-5533-jpg-1733570879-3137-1733571142.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GQKvYMqMLpqIZFMbJXhhSA

TS Trần Đức Minh chia sẻ tại hội thảo, hôm 7/12. Ảnh: Thanh Hằng

Trong xu thế đa ngành, vài năm gần đây, nhiều trường kinh tế mở mới các ngành công nghệ. Năm 2024, Đại học Kinh tế quốc dân mở 6 ngành, gồm bốn ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin (Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin). Trường Đại học Ngoại thương cũng bắt đầu tuyển ngành Khoa học máy tính.

Đại học Kinh tế TP HCM cũng đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo với hai chương trình Robot và Trí tuệ nhân tạo, Điều khiển thông minh và Tự động hóa. Trong khi Học viện Tài chính dự kiến mở ngành Khoa học dữ liệu, Toán tài chính.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022