Ông Đoàn Văn Vẹn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Thư Đăk Lăk, chia sẻ rằng doanh nghiệp vừa buộc phải quay đầu 10 container sầu riêng với tổng trọng lượng 170 tấn vì không thể thông quan tại cửa khẩu.
Nguyên nhân là phía Trung Quốc áp dụng các quy định kiểm định khắt khe hơn, đặc biệt là yêu cầu kiểm tra chất vàng O - một loại hóa chất có nguy cơ gây ung thư.
5 trong số đó đã bị Hải quan Trung Quốc trả về do doanh nghiệp chưa có giấy kiểm định chất vàng O. 5 container còn lại, ông cũng cho quay đầu về Hà Nội, vì chưa có giấy. Ông nói sẽ bán giá rẻ để tránh thiệt hại thêm, chấp nhận lỗ hơn 10 tỷ đồng. Do đã chờ ở cửa khẩu hơn 10 ngày, nếu chờ thêm để thông quan và vận chuyển tới Trung Quốc, ông cho rằng hàng sẽ hỏng.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi bị trả hàng, vì trước đây chỉ kiểm tra Cadimi và đều đạt tiêu chuẩn. Tạm thời, công ty phải dừng xuất khẩu để chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ phía nước bạn", ông Vẹn chia sẻ.
Sầu riêng đóng thùng 8-9 kg của doanh nghiệp xuất khẩu Đăk Lăk quay đầu bán rẻ ở thị trường nội địa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Không riêng Anh Thư, nhiều công ty khác cũng gặp tình cảnh tương tự. Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu, toàn ngành sầu riêng xuất khẩu đều đang đối mặt với khó khăn từ những quy định kiểm tra mới. Bà cho biết, doanh nghiệp đang dừng các lô hàng sang Trung Quốc để nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ đáp ứng yêu cầu mới. "Khi hoàn tất mọi thủ tục, chúng tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu", bà Vy nói.
Quy định kiểm tra chất vàng O của Trung Quốc được đưa ra sau khi phát hiện một số lô sầu riêng Thái Lan nhiễm chất này vào những tháng cuối năm 2024. Loại hóa chất này, vốn được xếp vào nhóm có khả năng gây ung thư, hiện bị kiểm soát chặt chẽ với tất cả nước xuất khẩu vào thị trường này. Trước sự thay đổi đột ngột, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp thích nghi, dẫn đến tình trạng hàng bị trả lại hoặc chờ lâu tại cửa khẩu.
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng, cho biết lượng xe sầu riêng thông quan mỗi ngày đã giảm đáng kể, chỉ còn 20-30 xe, so với 70-80 xe cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn các lô hàng từ Việt Nam được đi luồng xanh, nghĩa là không phải kiểm tra kỹ ở phía Việt Nam, nhưng tốc độ thông quan vẫn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là hải quan phía Trung Quốc thắt chặt quy trình kiểm tra, chỉ chấp nhận thông quan những lô đáp ứng đầy đủ các quy định mới. Ông Ba nhấn mạnh, doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật các yêu cầu này và chuẩn bị hồ sơ thật kỹ lưỡng để tránh nguy cơ bị trả hàng.
Đầu tháng 1, Trung Quốc vừa phát cảnh báo với sầu riêng và mít tươi xuất khẩu Việt Nam do không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Cục Bảo vệ Thực vật đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và truy xuất nguồn gốc. Những đơn vị vi phạm sẽ bị dừng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là điều kiện bắt buộc để đảm bảo trái cây Việt Nam giữ vững chất lượng và vị thế trên thị trường quốc tế.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt mức kỷ lục 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước, với Trung Quốc là thị trường chủ lực. Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt 3,5 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp vào mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả chạm ngưỡng 10 tỷ USD trong tương lai gần.
Thi Hà