Phương Thảo tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội hồi tháng 7 năm 2021. Sau đó, Thảo trở thành giảng viên thỉnh giảng của trường.

Nhờ khả năng tiếng Anh, cô giành nhiều học bổng và được tham gia các chương trình giao lưu quốc tế như học bổng YSEALI Summit 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ; học bổng "Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á" tại Đại học Nebraska – Omaha, Mỹ; chương trình ASEAN Youth Friendship Network tại Hàn Quốc năm 2019.

Thảo từng đạt 8.0 IELTS lần đầu tiên khi học lớp 12 vào năm 2017. Tháng 6 năm 2020, Thảo ôn thi lại và đạt 8.5 IELTS ở kỳ thi ba tháng sau đó. Lần này, Thảo duy trì điểm Đọc ở mức 9.0, nâng điểm Nghe từ 8.5 lên 9.0, điểm Nói từ 7.5 lên 8.5 và điểm Viết từ 6.5 lên 7.0.

Theo Thảo, cô áp dụng phương pháp "Reflective learning", hiểu đơn giản là phương pháp học dựa trên tư duy tích cực, có đối chiếu, phản biện, thực hành để hiểu vấn đề thấu đáo hơn, rồi áp dụng trở lại việc học.

Phương Thảo chia sẻ bốn khía cạnh áp dụng phương pháp này vào ôn thi IELTS:

1. Đào sâu và chia nhỏ mục tiêu

Thảo nói một trong những sai lầm cô mắc phải khi bắt đầu học IELTS là chưa có mục tiêu rõ ràng. Cô muốn được 8.5 IELTS nhưng không phân tích cụ thể các yêu cầu mà mình cần đạt.

Khi ôn thi IELTS lần hai, Thảo tự đánh giá các thế mạnh của bản thân, từ đó đưa ra mục tiêu ở từng kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết. Nhận thấy mình mạnh về phát âm, cô cho rằng có thể chinh phục điểm 9.0 ở kỹ năng Nói. Tuy nhiên, trở ngại là Thảo chưa nhiều vốn từ vựng khó ở mức điểm này. Cô phải phân bổ thời gian để xây dựng và học bảng từ vựng về các chủ đề thường gặp.

Tương tự, theo Thảo, mỗi người có thể tự lên kế hoạch và mục tiêu bằng cách đọc kỹ bản mô tả những yêu cầu với từng mức điểm của ban tổ chức thi. Chẳng hạn, nếu thí sinh muốn đạt 7.0 bài Nghe, Thảo nhận định chỉ được sai nhiều nhất 8-10 câu trong tổng số 40 câu của bài thi này. Nếu giỏi nghe thông tin chi tiết (Listening for Specific information and Details), thí sinh hãy cố gắng đạt điểm tối đa trong phần 1 và 4, đồng thời luyện tập để đạt điểm tốt nhất ở phần 3 (Listening for comprehension - Nghe hiểu hội thoại).

thao-o-han-1-jpg-1675149540-16-9190-5377-1675149807.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=09FZhIaL9wVOxWx898lcKw

Phương Thảo tại Seoul, Hàn Quốc, tháng 10 năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

2. "Nhìn kỹ vào lỗi sai"

Khi đã hiểu rõ mình cần gì và có thể làm gì, thí sinh nên có một kế hoạch học tập phù hợp. Theo Thảo, việc này có thể căn cứ theo thời gian mà thí sinh định dành cho việc học tiếng Anh hay khối lượng bài tập cần làm để đạt được mục tiêu. Sau đó, người học đưa ra mục tiêu theo ngày, chẳng hạn cần làm bao nhiêu bài nghe, đọc hay học thêm bao nhiêu từ vựng mới, viết bao nhiêu bài, rồi dành khoảng 20 - 30 phút để nhìn nhận lại kết quả.

"Hãy nhìn kỹ vào những lỗi sai của mình, đọc kỹ đáp án và tìm lý do tại sao mình sai, làm sao để lần sau không còn lỗi tương tự", Thảo nói.

Do trước đây điểm Nghe và Đọc của cô đã lần lượt đạt mức điểm 8.5 và 9.0, Thảo tập trung cải thiện kỹ năng Nói và Viết.

Với kỹ năng Nói, Thảo nghe kỹ các bài ghi âm của mình rồi tìm từng lỗi sai. Cô nhận ra mình đọc nặng âm "r", gây mất tự nhiên và hay sai ngữ pháp động từ. Thảo gạch chân âm "r" trong các văn bản để chú ý hơn tới các âm này khi nói, đồng thời ghi âm lại bài nói của mình sau mỗi tuần để nhìn nhận sự cải thiện.

Với lỗi ngữ pháp, Thảo tưởng tượng đang nói chuyện với "người vô hình", miêu tả mọi thứ đã diễn ra trong ngày bằng cách sử dụng thì quá khứ. Sau một thời gian, cô nhận thấy việc chia động từ ngày càng tốt hơn.

Ở kỹ năng Viết, tự nhận thấy các ý của mình còn nông, từ vựng sử dụng chưa thật đắt giá, Thảo đã phân tích bài mẫu, lựa chọn học theo chủ đề và đọc các bài tranh luận, phản biện để học cách phát triển ý.

Từ kinh nghiệm dạy học, Thảo nhận định nhiều học viên đã không thực sự dành thời gian để tìm hiểu sâu sắc các lỗi sai của mình. Điều này khiến dù đầu tư thời gian, nguồn lực nhưng người học không đạt được điểm IELTS như mong muốn.

3. Nhờ người có chuyên môn hỗ trợ

"Nếu như có n lý do khiến một người không làm được bài, thì sẽ có n+1 giải pháp cho vấn đề đó, nhưng sẽ chỉ có một vài phương pháp hợp với bạn", theo Phương Thảo.

Cô dẫn chứng, nếu thí sinh điền sai chính tả nhiều dù hiểu tất cả các từ của bài Nghe, giải pháp phù hợp với một người ít thời gian học không phải là nghe - chép (dictation) như nhiều người khuyên. Bởi lẽ, nếu bạn sai chính tả thì nghe chép 10 lần vẫn có thể sai chính tả. Trong trường hợp này, theo Thảo cần vừa nghe vừa nhìn mặt chữ, rồi viết lại cho đến khi thành thạo.

Với bài Viết, người sai ngữ pháp nhiều cần có phương pháp học tập khác với người thiếu ý tưởng. Nếu sai ngữ pháp, người học có thể phải dựa vào cấu trúc học thuộc nhiều hơn hoặc sử dựng phương pháp lặp lại để cải thiện. Trong khi đó, người ít ý tưởng nên dành thời gian đọc bài mẫu, lên sơ đồ ý tưởng và cách giải quyết cho nhóm chủ đề.

Để làm những việc này dễ dàng hơn, người học có thể tìm đến sự hỗ trợ của những người có chuyên môn, trao đổi để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề mình mắc phải.

4. Ghi chú hành trình học tập

Sau khi có lời khuyên và định hướng, thí sinh hãy thử nghiệm bằng cách ghi lại mốc bắt đầu, rồi ghi chép kết quả sau mỗi tuần để nhìn lại sự phát triển của bản thân.

"Quá trình học tập không dễ và sẽ không ngắn, bạn đừng hy vọng sẽ thấy kết quả sau một hay hai tuần", Thảo nói, cho biết việc ghi chú lại hành trình học tập giúp người có học động lực để tiếp tục cố gắng. Nếu đi đúng hướng, tìm ra giải pháp hợp lý và thực sự bền bỉ với mục tiêu, kết quả có thể được thể hiện rõ sau một, hai tháng thực hành.

Lệ Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022