
GĐXH - Từ việc thăm khám lâm sàng và kết quả thăm dò, các bác sĩ xác định nguyên nhân khiến bệnh nhân thiếu máu nặng là do u xơ tử cung chảy máu.
Thủng dạ dày vì tự ý dùng thuốc chữa xương khớp
Thông tin từ Trung tâm Y tế TP Đông Triều (Quảng Ninh), vừa qua các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn Ch., 60 tuổi (ở Yên Lâm 1, phường Đức Chính) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, đau liên tục kèm theo chướng hơi đầy bụng.
Qua khai thác tiền sử được biết, người bệnh cho biết đã uống thuốc giảm đau và thuốc xương khớp không rõ nguồn gốc dài ngày để điều trị viêm khớp dạng thấp, dẫn đến tình trạng viêm dạ dày biến chứng thủng dạ dày.

Hình ảnh BS CKI Nguyễn Thế Phương thăm khám bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Sau khi vào viện bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám, làm những xét nghiệm cần thiết và đưa ra kết luận chẩn đoán: Thủng tạng rỗng - nghi thủng dạ dày, người bệnh được chỉ định tiến hành phẫu thuật cấp cứu mổ nội soi, bơm rửa sạch ổ bụng, xác định vị trí lỗ thủng mặt trước bờ cong nhỏ, khâu lỗ thủng, dẫn lưu ổ bụng. Sau 8 ngày điều trị tại Khoa Ngoại, hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định và đã xuất viện.
Cảnh giác với bệnh viêm loét dạ dày khi dùng thuốc không rõ nguồn gốc
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc điều trị xương khớp không rõ nguồn gốc, không được kiểm định bởi cơ quan y tế, nhưng lại được quảng cáo rầm rộ với các lời lẽ "thần kỳ" như chữa khỏi thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa chỉ sau vài ngày sử dụng. Những loại thuốc này thường được bán trôi nổi qua mạng xã hội, chợ online hoặc các cơ sở không có giấy phép.
Nhiều bệnh nhân sau khi sử dụng các loại thuốc xương khớp không rõ thành phần, không có nhãn mác hoặc được "bào chế" thủ công đã gặp phải các biến chứng nặng nề như: Loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, suy gan; suy thận do nhiễm độc thuốc; rối loạn nội tiết, tích nước, phù nề do chứa corticoid liều cao...
Nguyên nhân chính là do nhiều loại thuốc chứa corticoid nhưng không ghi rõ, người bệnh dùng lâu dẫn đến mòn niêm mạc dạ dày, loét và thủng; pha trộn các chất độc hại, không qua kiểm định; không có hướng dẫn liều dùng chính xác, gây quá liều hoặc phản ứng phụ nguy hiểm.
Các thuốc này có thể gây ra bệnh lý tiêu hoá ở các mức độ khác nhau. Các thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng chống viêm, giảm đau như aspirin, naproxen, diclofenac, ibuprofen… thường gây triệu chứng nhẹ như buồn nôn, chán ăn, đau thượng vị, nặng là loét dạ dày - tá tràng, thủng đường tiêu hoá…
Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh những biến chứng không mong muốn, bệnh nhân cần được thăm khám, chẩn đoán đúng trước khi bác sĩ kê đơn. Nhất là đối với bệnh nhân mắc các bệnh xương khớp không được tự ý điều trị, không tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc về uống để tránh các biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày nguy cơ viêm phúc mạc toàn thể, dẫn đến sốc nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng.