UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2065/UBND-KGVX, ngày 20/5/2025 về việc tăng cường công tác quản lý di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.

Văn bản nêu rõ, để đảm bảo hiệu quả trong công tác bảo tồn di sản, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định pháp luật có liên quan khi thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Cùng với đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng về giá trị các di tích, sự cần thiết của việc gìn giữ, phục hồi, tu bổ, cũng như công khai nội dung các dự án để người dân biết, tham gia và giám sát.

Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

UBND thành phố nhấn mạnh, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong việc tổ chức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn, bao gồm cả các di tích đã được kiểm kê, xếp hạng, ghi danh, công nhận ở cấp thành phố, quốc gia và quốc tế (UNESCO). Việc triển khai các hoạt động quản lý di tích cần gắn với chương trình, kế hoạch bảo tồn cụ thể; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao làm đầu mối triển khai các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật di sản văn hóa; hướng dẫn chính quyền cơ sở tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp và lực lượng trực tiếp trông coi di tích về những quy định liên quan. Sở Văn hóa và Thể thao cũng có trách nhiệm tổ chức các chương trình tương tác, ứng dụng hình thức xã hội hóa phù hợp để nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Sở Văn hóa và Thể thao được giao hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục triển khai dự án tu bổ di tích theo các nội dung đã được cơ quan thẩm quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao) phê duyệt.

vnapotalbaovevaphathuygiatridisanthegioitiepcanduavaocongdongvisuphattrienbenvung8044874-1747898024334899070949.jpg

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Các Sở: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp được yêu cầu phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về di sản văn hóa; đồng thời, bảo đảm công tác tu bổ, phục hồi, xếp hạng di tích được thực hiện đúng quy định, phù hợp định hướng phát triển bền vững của thành phố.

Song song với việc siết chặt công tác quản lý, Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò then chốt của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững" diễn ra ngày 21/5/2025 ở Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế đã nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của người dân trong công tác bảo tồn di sản văn hóa.

vnapotalbaovevaphathuygiatridisanthegioitiepcanduavaocongdongvisuphattrienbenvung8044872-174789807214515809301.jpg

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, di sản không chỉ là ký ức cần được lưu giữ mà còn là tài sản chiến lược cho tương lai. Tuy nhiên, di sản cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ như biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, áp lực từ du lịch đại trà… Trong bối cảnh đó, cộng đồng địa phương chính là lực lượng nắm giữ tri thức bản địa, có khả năng bảo tồn và truyền tải giá trị di sản hiệu quả nhất.

Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo nhấn mạnh: "Cộng đồng là những người mang tri thức, giữ gìn truyền thống, đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn. Chúng ta phải tăng cường phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm". Các địa phương cần bảo đảm sinh kế cho người dân sống trong và quanh khu vực di sản thế giới; trao quyền thông qua xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức bảo tồn; đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ, số hóa trong bảo tồn.

vnapotalbaovevaphathuygiatridisanthegioitiepcanduavaocongdongvisuphattrienbenvung8044870-1747898100354891028942.jpg

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Hà Nội với 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có nhiều di sản được UNESCO ghi danh luôn xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững. Thành phố đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản; đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo tồn, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống.

XEM THÊM CÁC TIN TỨC VĂN HÓA TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022