Tại trường kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania, Mỹ, Giáo sư Ethan Mollick đã yêu cầu sinh viên sử dụng ChatGPT để trợ giúp bài tập trên lớp. Sinh viên phải kiểm tra các dữ liệu của ChatGPT và chịu trách nhiệm về bất kỳ điểm không chính xác nào. Kết quả, trong một bài tập, hầu hết sinh viên đã sử dụng ChatGPT và đưa ra những ý tưởng tốt.
"Đây là một công cụ hữu ích", tờ NPR dẫn lời ông Mollick hồi cuối tháng 1. Theo ông, ChatGPT có thể giúp sinh viên, nhất là những người không nói tiếng Anh bản ngữ, cải thiện khả năng viết, giảm bớt gánh nặng khi viết email.
Nhiều trường đại học khác thì lo ngại về việc gian lận và đưa ra những giới hạn, khi đã có giáo sư phát hiện sinh viên dùng ChatGPT để viết bài luận.
"Sinh viên phải hoàn thành bài tập mà không có sự trợ giúp trái phép, bao gồm các công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) như ChatGPT trong hầu hết khóa học", bà Dee Mostofi, người phát ngôn Đại học Stanford nói trên tờ Stanford Daily hôm 22/1.
Tờ này cũng dẫn kết quả một cuộc thăm dò không chính thức do The Daily thực hiện từ 9 đến 15/1, cho thấy khoảng 17% trong số hơn 4.000 người sử dụng email Stanford đã dùng ChatGPT trong các bài tập cuối kỳ. Tuy nhiên, phần lớn cho biết chỉ sử dụng ChatGPT để phác thảo ý tưởng.
Đại học Washington và Vermont đang soạn thảo các bản sửa đổi chính sách liêm chính trong học thuật, trong đó định nghĩa đạo văn bao gồm cả việc sử dụng AI. Còn Đại học Buffalo và Furman dự định đưa thảo luận về công cụ này vào các khóa học bắt buộc cho sinh viên năm đầu, cũng như các khái niệm về tính liêm chính trong học tập.
Các trường phổ thông Mỹ cũng đang phản ứng trái chiều trước ảnh hưởng của chatbot này. Hồi đầu tháng 1, các trường công lập ở thành phố New York ban hành lệnh cấm học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập của học sinh.
"Mặc dù công cụ này có thể đưa ra câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng cho các câu hỏi, nó không xây dựng các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, vốn cần thiết cho sự thành công trong học tập và cuộc sống", bà Jenna Lyle, phát ngôn viên của Sở Giáo dục thành phố, nói, theo Washington Post hôm 5/1. Tuy nhiên, các trường có thể yêu cầu quyền truy cập vào ChatPGT cho "mục đích giáo dục liên quan đến AI và công nghệ".
Hàng loạt học khu ở Seattle, Los Angeles, Oakland, Maryland cũng đưa ra các giới hạn tương tự với việc sử dụng ChatGPT.
"Học khu đã chặn quyền truy cập vào trang web OpenAI và mô hình ChatGPT trên tất cả các mạng và thiết bị để bảo vệ tính trung thực trong học tập, đồng thời đánh giá rủi ro, lợi ích", đại diện Học khu thống nhất Los Angeles cho hay.
Dù vậy, nhiều khu học chánh lớn khác chưa có chính sách hạn chế công cụ này. Monique Braxton, phát ngôn viên của học khu Philadelphia, cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa cấm ChatGPT nhưng luôn xem xét các sản phẩm mới ảnh hưởng đến học sinh như thế nào".
ChatGPT là một chatbot trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Ascannio/Alamy
Ra mắt cuối tháng 11/2022, ChatGPT là ứng dụng AI được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Đến 31/1, ChatGPT đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu.
Một số chuyên gia cho rằng việc hạn chế công nghệ là thiển cận. Adam Phyall, chuyên gia công nghệ giáo dục và giám đốc tổ chức phi lợi nhuận All4Ed, Mỹ, nói: "Nếu người học không sử dụng ChatGPT trong lớp, họ có thể dùng nó ở nhà và trên thiết bị cá nhân".
Lalitha Vasudevan, phó trưởng khoa Đổi mới kỹ thuật số tại trường Sư phạm, Đại học Columbia, nghĩ việc sử dụng chatbot nên được coi như một cơ hội học tập mới. "Nếu những thứ mà chúng ta từng tốn nhiều công sức giảng dạy có thể được tự động hóa thì có lẽ nên suy nghĩ lại về những mục tiêu và trải nghiệm thực tế mà chúng ta hướng tới trong lớp học", bà nói. Bà cho biết các giáo viên và khu học chánh có thể kết hợp chatbot ChatGPT vào các bài học thông thường, chẳng hạn so sánh cách công cụ này xây dựng một bài phát biểu của Shakespearea dài hai phút với cách học sinh có thể viết một bài. Theo bà, đó là một cách mà ChatGPT có thể giúp phát triển hơn nữa kỹ năng tư duy phản biện của học sinh.
Thay vì chặn quyền truy cập, ông Phyall cho rằng các trường có thể sử dụng ChatGPT để dạy trẻ cách cải thiện khả năng viết. Còn ông Richard Culatta, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Công nghệ Giáo dục Quốc tế, khuyến nghị các trường tạo ra quy tắc về việc sử dụng ChatGPT.
Frederick Luis Aldama, trưởng khoa nhân văn tại Đại học Texas ở Austin, cho biết ông dự định dạy những văn bản mà ChatGPT có thể có ít thông tin hơn, ví dụ như những bản thơ đầu tiên của William Shakespeare thay vì "Giấc mộng đêm hè".
Nếu những thay đổi không thể ngăn chặn đạo văn, ông dự định đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn với sinh viên và cách chấm điểm. Bây giờ, một bài văn gồm luận đề, mở đầu, các đoạn hỗ trợ và kết luận là chưa đủ.
OpenAI - công ty sở hữu ChatGPT hôm 31/1 thông báo sẽ phát hành một công cụ mới có thể giúp giáo viên phát hiện bài làm không phải do học sinh, sinh viên thực hiện. "Chúng tôi không muốn ChatGPT được sử dụng cho các mục đích gây hiểu nhầm trong trường học hoặc bất kỳ nơi nào khác", người phát ngôn của Open AI cho biết trong email gửi USA Today hôm 2/2.
Bình Minh (Theo USA Today, The Washington Post, Global News, Insider)