Hồng Chiến Huy sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam. Cha bị bệnh tâm thần liên miên, cả nhà 5 nhân khẩu phụ thuộc vào người mẹ. Kinh tế khó khăn, cả nhà thường chỉ ăn bữa trưa và nhịn bữa tối.

Cha mẹ của Hồng Chiến Huy biết rõ rằng kiến thức có thể thay đổi vận mệnh. Vì vậy, dù nghèo, họ vẫn cố gắng hết sức cho con đi học. Hồng Chiến Huy hiểu sự vất vả của cha mẹ và cơ hội học tập khó khăn mới có được. Mỗi ngày, cậu xách cặp đi học từ sớm. Khi mặt trời mọc, cậu đã ngồi trong lớp và bắt đầu đọc sách.

Biến cố

Năm 1994, một biến cố khiến gia đình Chiến Huy tan vỡ. Lúc này, cha của Chiến Huy thất nghiệp nên tâm trạng bất ổn, khi bực bội sẽ trút giận lên vợ và các con. Nhiều lần Hồng Chiến Huy đi học về đều nhìn thấy cha đánh mẹ, còn em gái đang khóc bên cạnh.

Một ngày nọ, khi về đến nhà, thấy mẹ đang nấu ăn trong bếp, đứa em gái khóc ầm ĩ, Hồng Chiến Huy sờ lên trán thì biết em bị sốt. Cậu bế em vào bếp nói với mẹ: "Em bị sốt. Sao mẹ không đưa nó đến bệnh viện? Con sẽ lo việc bếp núc".

Người mẹ bảo con trai nhờ cha đưa đi nhưng người cha đang nằm trên giường, liếc nhìn con rồi từ chối. Quá bức xúc, mẹ của Hồng Chiến Huy mắng chồng: "Đồ vô dụng, anh có biết nhà có ba đứa con vất vả thế nào không? Sao anh không biết chia sẻ gánh nặng!".

Vợ chưa dứt lời, người chồng đã nhảy bổ vào đánh tới tấp. Hồng Chiến Huy lập tức lao tới ôm lấy cha nhưng bị đẩy xuống đất. Dù vậy, cậu vẫn bảo vệ em gái trong vòng tay.

Không ngờ, người cha giật lấy đứa trẻ và ném xuống đất. Cô em gái đang la khóc đột nhiên im lặng. Khi người cha tỉnh táo lại thì đã quá muộn. Đứa trẻ đã tắt thở, còn người mẹ cũng bị đánh đến bầm tím mũi và sưng mặt. Mọi người đều choáng váng, cha của Hồng Chiến Huy càng sốc hơn khi cái chết của con gái là lỗi của chính ông.

Sau đó, gia đình vội vàng lo tang lễ cho cô em gái, còn người mẹ thì biến mất ngay trong đêm. Hồng Chiến Huy dẫn em trai đi tất cả các ngôi nhà gần đó nhưng không tìm thấy mẹ. "Mẹ, mẹ ở đâu? Nhanh về đi!", tiếng kêu của hai anh em rải rác trong bóng tối nhưng vẫn không có phản hồi.

Gánh nặng chăm sóc cha và em trai hoàn toàn đổ lên vai Hồng Chiến Huy. Cậu không chỉ phải duy trì thành tích học tập mà còn phải tìm những công việc bán thời gian khác sau giờ học để hỗ trợ gia đình.

Thành viên mới

Một ngày nọ, Hồng Chiến Huy đi học về và phát hiện trong nhà có thêm một bé gái. Cậu tưởng ai đó đã gửi nhờ. Không ngờ người cha lại nói rằng đây là một đứa bé bị bỏ rơi mà ông gặp trên đường. Vừa nhìn thấy, Chiến Huy liền nghĩ đến đứa em gái đã rơi xuống đất mà chết, trong lòng tràn đầy cảm giác yêu thương.

Mỗi khi tan học, Hồng Chiến Huy đi nhặt rác kiếm tiền nuôi gia đình. Vất vả nhưng cậu không hề tụt hậu trong việc học. Ba năm sau, Chiến Huy bước vào cấp 3.

Đây là khoảng thời gian kinh khủng. Một mặt, áp lực học tập ngày càng lớn, cậu phải ngày đêm ôn bài để thi vào đại học nhưng mặt khác, bệnh tình của cha Chiến Huy ngày càng trầm trọng, cần rất nhiều tiền để mua thuốc chữa bệnh.

Để hỗ trợ gia đình, Chiến Huy thường bán văn phòng phẩm ở trường vào các ngày trong tuần, điều này khiến các giáo viên không hài lòng, yêu cầu không được bán tiếp. Đối mặt với áp lực cả về vật chất lẫn tâm lý, Chiến Huy không lên tiếng mà lặng lẽ quay người rời đi. Tuy nhiên, ngày hôm sau, cậu vẫn mang đồ đi khắp nơi để bán.

Nhưng dù cố gắng đến đâu thì một mình Chiến Huy vẫn không thể lo được cho 4 miệng ăn, còn tiền thuốc men, bệnh viện. Cuối cùng, cậu đành phải nghỉ học trong nước mắt.

Tuy nhiên, niềm yêu thích học tập vẫn âm ỉ trong lòng Chiến Huy. Năm 2000, sau khi tình trạng của cha ổn định và xuất viện, cậu tìm đến giáo viên cũ trình bày nguyện vọng và bắt đầu học lại từ năm đầu trung học. Chiến Huy đi học vào ban ngày, ban đêm làm công việc bán thời gian rồi về nhà chăm sóc các em.

Năm 2003, Chiến Huy vui mừng khi được nhận vào Đại học Hoài Hóa. Cậu trở thành sinh viên đại học đầu tiên trong làng. Nhưng khoản học phí 5.200 Nhân dân tệ trở thành gánh nặng. Chiến Huy cũng không biết sau khi cậu rời làng, cha và các em phải làm sao?

Chiến Huy thực sự không muốn từ bỏ cơ hội ra ngoài học tập, nên trước khi rời đi, cậu gửi em và bố nhờ người thân chăm sóc. Người thân và hàng xóm rất tự hào về sinh viên đại học này, họ còn chạy khắp nơi để giúp cậu đóng học phí.

Khi dân làng đưa tiền, cậu đã bật khóc. Cậu lấy ra một cuốn sổ, ghi tên từng người và số tiền họ đã cho vay, rồi xúc động trả lời: "Cảm ơn mọi người đã giúp đỡ. Sau này tôi sẽ trả lại số tiền gấp đôi".

Đưa em đi học cùng

Trong lễ hội mùa xuân năm 2004, Chiến Huy trở về quê hương và cảm thấy vừa thương vừa có lỗi khi nhìn thấy em gái nghỉ học, lủi thủi ở nhà. Lúc này em trai Chiến Huy đã đi học. Xét thấy tình trạng của cha đang dần xấu đi, việc em gái ở lại với cha có lẽ sẽ nguy hiểm hơn. Năm 2005, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Chiến Huy quyết định đưa em gái đi học cùng.

Chiến Huy nhanh chóng tìm được một căn nhà thuê rẻ gần trường và sắp xếp cho em gái theo học tại một trường tiểu học gần đó. Sau khi thu xếp xong mọi việc, cuối cùng cậu cũng thở phào nhẹ nhõm.

Em gái cũng hiểu ý tốt của anh trai. Trong khi những đứa trẻ khác còn đang khóc lóc đòi bố mẹ đưa đi ăn đồ ngon thì cô bé đã học nấu ăn để lo hết việc nhà khi anh phải đi làm. Đồng thời, cô bé cũng tranh thủ thời gian nhặt rác kiếm tiền.

Câu chuyện về hai anh em chăm chỉ làm việc ngày càng được nhiều người biết đến. Nhiều người muốn giúp đỡ về tài chính, nhưng Chiến Huy từ chối: "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là một người phải tự lập và tự chủ. Bây giờ tôi có khả năng sống và làm việc nhưng xã hội này vẫn còn rất nhiều người đang gặp khó khăn không thể thoát ra được. Họ chính là những người chúng ta cần giúp đỡ lúc này".

photo-2-172068279663280354253.jpeg

Chiến Huy và em gái

Sau khi nhà trường biết được hoàn cảnh của Chiến Huy, họ đã sắp xếp một ký túc xá riêng để cậu và em gái có thể sinh hoạt thuận tiện hơn. Cuộc sống dần dần trở nên tốt đẹp hơn.

Niềm vui

Năm 2005, câu chuyện cuộc đời của Chiến Huy được biết đến và gây chấn động. Các cơ quan báo chí lần lượt đến thăm. Với sự giúp đỡ của mọi người, mức sống của Chiến Huy đã dần được cải thiện.

Vào tháng 12 cùng năm, Chiến Huy đến Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh để báo cáo. Bài phát biểu khiến mọi người rơi nước mắt, nhà trường lập tức mời cậu đăng ký vào trường để theo học hệ đại học, miễn toàn bộ học phí. Nhưng đối mặt với lời mời hấp dẫn như vậy, Chiến Huy chỉ nhẹ nhàng nói rằng trong khoảng thời gian này, cậu phải bình tĩnh và suy nghĩ kỹ về con đường tương lai của mình.

photo-1-17206827953731221510277.jpeg

Chiến Huy hiện tại

Năm 2006, Chiến Huy được nhận vào Đại học Trung Nam và đủ điều kiện để học lấy bằng cử nhân và thạc sĩ cùng lúc. Tháng 7 năm 2011, Chiến Huy nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Trung Nam. Ngay khi tin tức Chiến Huy tốt nghiệp xuất hiện, các công ty lớn lần lượt thuyết phục vào làm việc với mức lương cao. Tuy nhiên, trong thâm tâm Chiến Huy muốn quay trở lại trường cũ, trường Đại học Hoài Hóa, để trở thành một giáo viên.

Vượt qua giông bão sẽ có cầu vồng. Nhờ những nỗ lực không ngừng của Chiến Huy hàng chục năm qua, các em trai và em gái của cậu đã được nhận vào đại học, bệnh tình người cha cũng dần dần được cải thiện. Chiến Huy cũng tìm thấy mẹ mình, người đã xa nhà nhiều năm. Bà sẵn lòng trở về với gia đình.

Năm 2017, Chiến Huy nghỉ làm giảng viên đại học và trở thành hiệu trưởng một trường dạy nghề ở Hồ Nam. Hiện tại, cậu không chỉ có sự nghiệp thành công mà còn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022