Theo WIPO, các ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu đang đóng góp khoảng 2.250 tỷ USD mỗi năm và tạo việc làm cho hơn 30 triệu người. Riêng năm 2022, xuất khẩu dịch vụ sáng tạo đạt 1.400 tỷ USD – mức tăng ấn tượng 29% so với năm 2017. Chủ đề năm nay tôn vinh vai trò của âm nhạc trong nền kinh tế sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số đang thay đổi mạnh mẽ cách âm nhạc được tạo ra, phân phối và tiêu dùng.

Tại Việt Nam, âm nhạc không chỉ là giá trị văn hóa mà còn là một phần quan trọng của công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các nền tảng số cũng đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ quyền tác giả, ngăn chặn tình trạng xâm phạm bản quyền.

Sở hữu trí tuệ – "vũ khí" pháp lý bảo vệ âm nhạc

Hiện nay, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã tạo cơ hội mới cho nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đưa tác phẩm đến công chúng nhanh hơn, hiệu quả hơn và mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn. Tuy nhiên, song hành với đó là những thách thức về xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép, thu lợi bất hợp pháp từ nền tảng số.

Hệ thống quyền tác giả và quyền liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tác phẩm âm nhạc, đảm bảo quyền lợi cho nghệ sĩ, nhà sản xuất, đồng thời khuyến khích đầu tư vào nội dung sáng tạo. Việt Nam hiện đã tham gia nhiều điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do có quy định mạnh mẽ về bản quyền. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này.

2-63398263007341154717016.png

Ảnh: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

TP Hồ Chí Minh tổ chức chuỗi sự kiện tôn vinh bản quyền âm nhạc

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới và hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cục Bản quyền tác giả phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông tại TP Hồ Chí Minh, nổi bật là hai sự kiện vào ngày 20/4:

Chương trình nghệ thuật và giao lưu "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, với các tiết mục biểu diễn, giao lưu nghệ sĩ và tôn vinh những đóng góp trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc.

Tọa đàm chính sách phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc, là diễn đàn đối thoại giữa cơ quan quản lý và các đơn vị tổ chức sự kiện, nghệ sĩ nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, thủ tục và thúc đẩy phát triển thị trường âm nhạc trong nước và quốc tế.

3-58915855545607301103619.png

Ảnh: Cục bản quyền tác giả.

Trong bối cảnh công nghệ AI ngày càng phát triển, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là bảo vệ người sáng tạo mà còn là gìn giữ giá trị gốc của nghệ thuật. Hệ thống pháp lý hiệu quả chính là cầu nối xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc công bằng, nhân văn và bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022