dieuhuong3-2832-1721959336243-1721959337069306600804.jpg

NSND Diệu Hương

Nghị lực vượt khó của cô gái vùng đất lửa Vĩnh Linh

5 tuổi, Diệu Hương bén duyên với sân khấu dù gia đình không ai theo nghệ thuật. Những năm đi học, cô nhiệt tình tham gia biểu diễn văn nghệ. Nhà nghèo, ba là bộ đội, hy sinh trên chiến trường Campuchia, cô gái trẻ ở vùng đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) phải nghỉ học sớm, đi làm với thu nhập chỉ 1-2 tạ lúa mỗi năm đỡ đần mẹ nuôi em. Tưởng giấc mơ nghệ thuật sẽ mãi vùi sâu trong khó khăn, nhưng đam mê và nghị lực giúp Diệu Hương vượt qua tất cả.

"Mỗi khi khó khăn, tôi động viên mình vươn lên với tinh thần Quảng Trị - mảnh đất từng hứng chịu đau thương chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt", nữ nghệ sĩ bày tỏ.

Biến thử thách thành động lực, Diệu Hương vừa làm vừa học, tốt nghiệp cấp 3, thi vào Học viện Âm nhạc Huế. Sau khi tốt nghiệp, cô được giữ lại làm giảng viên. Cuộc sống đã mỉm cười với cô gái đầy ý chí và nghị lực.

NSND Diệu Hương nhớ lại những ngày đầu theo đuổi nghệ thuật nhiều gian khó: “Tôi đi làm dành dụm mãi mới mua được chiếc xe đạp - tài sản quý giá nhất thời điểm đó. Vậy mà, mới hân hoan buổi sáng, chiều xe bị người ta lấy cắp. Tôi khóc như mưa, giờ nghĩ lại vẫn ấm ức”.

dieuhuong7-2833-1721959338117-17219593382521703786348.jpg

NSND Diệu Hương được mọi người yêu mến gọi là "Hương Huế".

Diệu Hương từng giành giải Thí sinh hát nhạc nhẹ ấn tượng tại Sao Mai 2001. Đúng lúc VOV cần nghệ sĩ thu âm ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, Diệu Hương ứng tuyển. Thời điểm đó, cô đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế, ra Hà Nội học thạc sĩ ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nên rất đắn đo khi trúng tuyển. Cuối cùng, cô quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp, nơi đã dang rộng vòng tay với mình.

NSƯT Diệu Hương vừa hát ca Huế vừa làm biên tập viên tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Không chỉ bảo tồn nguyên mẫu, cô còn mạnh dạn làm mới tiết tấu, thậm chí đưa rap vào ca Huế, không làm mất đi hồn cốt lại dễ tiếp cận với giới trẻ.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ qua lời nói và khẩu hiệu, mà cần qua hành động thực tế. Diệu Hương chia sẻ, thời đại mới, bối cảnh xã hội mới, đòi hỏi của công chúng cũng khác nhưng không có nghĩa họ xa lánh, ghét bỏ âm nhạc truyền thống.

dieuhuong2-2834-1721959339013-172195933941290818210.jpg

Diệu Hương được phong tặng danh hiệu NSND năm 2024.

Cô luôn tâm niệm, đã theo dòng nhạc này phải cố gắng đến cùng. Chọn ca Huế là con đường chông gai vì âm nhạc dân tộc ít khán giả, ca Huế giữa lòng Thủ đô càng khó hơn. Với 11 năm học thanh nhạc, NSND Diệu Hương áp dụng kiến thức, kết hợp nhuần nhuyễn để tạo ra cách hát riêng, được khán giả ấn tượng đặt biệt danh là "Hương Huế".

“Tôi luôn đau đáu với câu hỏi: ‘Âm nhạc dân gian của Việt Nam hay như thế sao không thu hút được giới trẻ thưởng thức?'. Sau khi làm những bản mashup ca Huế kết hợp với chầu văn, rap, tiết tấu và giai điệu trẻ trung hơn, tôi nhận ra lớp khán giả trẻ vẫn thích âm nhạc truyền thống, chỉ là nghệ sĩ chưa biết cách tiếp cận”, NSND Diệu Hương cho biết.

Bởi vậy, ai từng dạo qua khu vực tượng đài vua Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm vào cuối tuần sẽ ấn tượng với giọng ca ngọt ngào của NSND Diệu Hương. Nhiều năm qua, cô cùng nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn miễn phí tại đây, tạo nên những chương trình âm nhạc truyền thống độc đáo và thu hút du khách.

Gập ghềnh trên con đường kiếm tìm hạnh phúc

Nếu con đường âm nhạc của NSND Diệu Hương gặp nhiều chông gai mới có trái ngọt thì hành trình kiếm tìm hạnh phúc của cô cũng gập ghềnh không kém.

Lấy chồng khi 23 tuổi, Diệu Hương chuyển về Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị để làm việc và tiện chăm sóc con cái. Con gái được 2 tuổi, cô thi vào Đại học Âm nhạc Huế hệ tại chức tiếp tục học tập và nghiên cứu âm nhạc dân gian. Đi đi về về giữa Quảng Trị và Huế, vừa chăm sóc gia đình, cũng là lúc tổ ấm của cô rạn nứt.

dieuhuong8-2835-1721959340129-1721959340330309189192.jpg

Hiện tại, NSND Diệu Hương thấy hạnh phúc trong sự giản dị.

Diệu Hương ôm con và hai túi hành lý, rời ngôi nhà đã gây dựng để tiếp nối sự nghiệp âm nhạc. Học xong và xin giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế một thời gian, 2 mẹ con Diệu Hương “khăn gói quả mướp” lên Thủ đô, tiếp tục học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Một mình với con gái nhỏ trong căn nhà thuê, Diệu Hương chấp nhận rằng chỉ cần có con cái và âm nhạc là đã có một gia đình trọn vẹn. NSND Diệu Hương phải làm việc nhiều và với tần suất cao. Dù có lúc cảm thấy tủi thân, nhưng nhìn con ngoan và thương mẹ, cô vẫn an tâm.

"Chúng tôi sống hạnh phúc trong sự giản dị, vậy là mãn nguyện rồi", cô nói.

NSND Diệu Hương, sinh năm 1977 tại Quảng Trị, bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 18 tuổi. Cô đã làm việc tại Đội Tuyên truyền văn hóa Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Học viện Âm nhạc Huế và hiện tại ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2012, cô được phong tặng NSƯT và đoạt 4 Huy chương Vàng trong 7 năm tham gia Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Cô được trao tặng danh hiệu NSND năm 2024.

ava-nsnd-thanh-ngoan-1721876975105682613207-0-0-375-600-crop-1721876981968403463718.jpgHôn nhân đời thực bên chồng kém 7 tuổi của nữ NSND chèo nổi tiếng miền Bắc

GĐXH - NSND Thanh Ngoan là gương mặt gạo cội trong làng sân khấu chèo đất Bắc, trước khi nghỉ hưu chị từng là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022