* Bài tiết lộ một phần nội dung phim

Trailer "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" - dán nhãn 16+. Video: Đoàn phim cung cấp
Phim lấy bối cảnh sau trận càn Cedar Falls năm 1967 - chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm triệt phá căn cứ quân giải phóng miền Nam. Tác phẩm mở đầu bằng một đoạn one-shot (quay không cắt cảnh) miêu tả mảnh đất Bình An Đông, Củ Chi bị tàn phá, những cánh rừng cháy trụi. Nữ chiến sĩ Ba Hương (Hồ Thu Anh đóng) ngụp lặn trên sông tìm đồng đội, nhưng chỉ thấy những thi thể giữa đám lục bình.
Khung cảnh tang thương dẫn dắt người xem vào câu chuyện của nhóm du kích gồm 21 người, do Bảy Theo (Thái Hòa) làm đội trưởng. Theo lệnh của cấp trên, họ bám trụ ở Củ Chi để canh giữ các thiết bị quân y và thuốc men cho bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, chỉ có Bảy Theo biết nhiệm vụ thực chất của họ là bảo vệ địa bàn cho nhóm tình báo chiến lược của Hai Thưng (Hoàng Minh Triết) truyền đi những tài liệu tối mật bằng sóng vô tuyến. Trọng trách này khiến đội du kích rơi vào thế sống còn, khi quân đội Mỹ định vị được họ, mở một chiến dịch lớn tấn công địa đạo.

Tạo hình nhân vật Bảy Theo (Thái Hòa đóng). Ảnh: Thanh Huyền
Với thời lượng 128 phút, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không đặt tham vọng phác họa toàn bộ bức tranh về địa đạo, mà chỉ tái hiện lát cắt nhỏ với từng thân phận riêng. Anh không mất nhiều thời gian để giới thiệu chân dung, hoàn cảnh đội du kích. Dù đến từ đâu, ở độ tuổi nào, họ có chung lý tưởng: Sẵn sàng cầm súng bảo vệ tổ quốc.
Nhiều cảnh về cuộc sống sinh hoạt của căn cứ được phác họa bằng mạch phim điềm tĩnh, không xoáy vào những điều bi lụy. Nhiều chi tiết chỉ lướt qua màn ảnh, nhưng đủ để người xem hình dung về chuỗi ngày tháng kham khổ của các chiến sĩ trong lòng đất. Họ chắt chiu từng bát nước đục để nấu nướng, ánh mắt vui mừng khi bữa cơm có thêm khúc cá. Các nữ chiến sĩ sung sướng khi nhận được quà là chiếc lược được cưa từ vỏ bom. Họ chỉ có thể tưởng nhớ đồng đội trong lặng lẽ, di ảnh là những tấm thẻ căn cước của người quá cố.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh - một khán giả của phim - nhận xét tác phẩm khai thác tốt những chi tiết nhỏ về đời thường, với cách lồng ghép hài hước lẫn xúc động.

Dàn diễn viên "Địa đạo" tập luyện ở thao trường suốt hai tháng trước khi phim bấm máy. Video: Đoàn phim cung cấp
Địa đạo không bám theo một câu chuyện cụ thể hoặc xoay quanh một gương mặt chính, như cấu trúc của đa số phim điện ảnh. Thay vào đó, mỗi vai được xây dựng với tính cách đặc trưng, tạo nên hệ thống nhân vật đa màu sắc. Ba Hương là một người lính gan dạ, cứng rắn nhưng vẫn đủ mềm mỏng để làm chỗ dựa cho các em trong đội. Tư Đạp (Quang Tuấn đóng) đại diện cho những chiến sĩ thích đào sâu, tìm tòi về vũ khí quân sự. Nhân vật được lấy hình mẫu từ Anh hùng Lực lượng vũ trang Tô Văn Đực - người góp phần chế tạo mìn gạt trong cuộc chiến ở Củ Chi.
Tuyến tình cảm của phim được dẫn dắt với nhịp điệu nhẹ nhàng, vừa đủ để khán giả cảm nhận được sự lãng mạn. Chuyện tình Ba Hương - Tư Đạp làm dịu đi những tình huống ngột ngạt. Tác phẩm có nhiều khung hình giàu ngụ ý, gửi gắm về thân phận con người thời chiến.
Trong số các nhân vật, đội trưởng Bảy Theo nổi bật với sự lý trí, quyết đoán, tính cách có phần thô ráp, qua diễn xuất của Thái Hòa. Dù ít thoại, anh để lại ấn tượng với lối nhấn nhá, gằn giọng tự nhiên, rõ âm điệu. Nhiều câu nói của Bảy Theo gợi tiếng cười nhẹ nhàng mà thấm thía, khi căn dặn các chiến sĩ trẻ về tình thế sống còn. Ở một cảnh biết tin đồng đội hy sinh, nhân vật không khóc nhưng ánh mắt hướng trực diện, xoáy sâu vào ống kính, lột tả nỗi đau.
Thiết kế mỹ thuật cho bối cảnh là một nỗ lực của đoàn phim.Đa phần phân cảnh diễn ra dưới lòng đất, việc quay phim trong không gian chật hẹp là thách thức lớn. Trước đây, hầu như chưa đơn vị nào quay điện ảnh về cuộc chiến ở Củ Chi, do đó êkíp Bùi Thạc Chuyên phải dàn dựng hầu hết nội cảnh (dưới đất).
Khó khăn lớn nhất với đoàn phim là địa đạo thật có đường kính nhỏ, không thể đặt máy quay, êkíp phải thiết kế một mô hình dài 250 m. Trên màn ảnh, đạo diễn dựng lại địa đạo với ba tầng theo từng chức năng riêng biệt: Hai tầng đầu do nhóm du kích canh giữ để bảo vệ tầng cuối - nơi đội tình báo dò thám sóng vô tuyến. Với các cảnh bom nổ trên mặt đất, dưới hầm chịu rung chấn, êkíp làm một bệ lớn, đặt mô hình lên trên, sau đó sử dụng máy tạo rung động với tần số phù hợp. Ở cảnh mặt đất bị triệt phá, êkíp dùng thuốc nổ để tạo khoảng 50 hố bom.

Hậu trường làm mô hình tái hiện địa đạo Củ Chi. Video: Đoàn phim cung cấp
Tác phẩm cũng có nhiều đại cảnh cho thấy quy mô trận chiến, như phân đoạn dàn xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng càn quét địa phận. Đạo diễn nhiều lần sử dụng thủ pháp quay tương phản để làm nổi bật sự chênh lệch về lực lượng của nhóm du kích và lính Mỹ. Về cuối, nhịp phim dồn dập hơn khi quân đội Mỹ thâm nhập địa đạo, dồn từng chiến sĩ vào tình thế "nghìn cân treo sợi tóc".
Âm thanh thời chiến được tái hiện chi tiết với tiếng máy bay, xe tăng, bom rơi, đạn nổ, góp phần đẩy không khí khốc liệt. Nhạc phim - với ca khúc chủ đề Mặt trời trong bóng tối (Hứa Kim Tuyền sáng tác) - gợi những quãng lặng về cảm xúc. Đạo diễn tri ân cải lương qua bản vọng cổ Tần Quỳnh khóc bạn (soạn giả Viễn Châu), vang lên với chất giọng Út Khờ, một thành viên trong tiểu đội (Hằng Larmoon đóng).

Một cảnh phim miêu tả địa đạo Củ Chi bị tấn công. Ảnh: Thanh Huyền
Do không tập trung vào tuyến nhân vật cụ thể, tác phẩm không đủ kịch tính để đẩy cảm xúc số đông người xem lên cao trào. Bùi Thạc Chuyên cho biết đây là dụng ý của anh bởi tác phẩm được quay theo phong cách phim tài liệu, tái hiện lát cắt cuộc sống, thay vì khai thác các tình tiết lấy nước mắt khán giả.
"Với tôi, địa đạo Củ Chi mới là 'gương mặt chính' của phim, còn các nhân vật xung quanh đại diện cho con người ở vùng đất này. Họ đã anh hùng chiến đấu và lặng lẽ ngã xuống, nhiều người thậm chí không để lại dấu tích gì, chỉ có cái tên", anh cho biết. Sau hai ngày chiếu sớm, tác phẩm gây chú ý phòng vé, thu 15 tỷ đồng, trước khi ra rạp (ngày 4/4).
Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng. Cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, địa đạo có hệ thống đường hầm dài hơn 200 km, là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước.
Mai Nhật