VNE-Sink-jpeg-6490-1722397783.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YF0gl4ngmNm0D2GgcKXy7A

Cây cổ đại mọc xanh tốt bên trong miệng hố thiên đường. Ảnh: Earth

Các loại thực vật mọc ở đáy nhiều hố sụt khổng lồ ở Trung Quốc hấp thụ nhiều dưỡng chất đến mức chúng phát triển nhanh hơn hẳn cây mọc trên mặt đất, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Plant Ecology, Live Science hôm 30/7 đưa tin. Những hố sụt có tên "hố thiên đường" nằm trong số nơi sinh trưởng tự nhiên cuối cùng còn sót lại của rừng cổ đại, có thể chứa một số loài khoa học chưa biết. Nhưng giới nghiên cứu chưa rõ chúng sinh trưởng ở đáy hố sâu chính xác như thế nào.

Cây nguyệt quế, tầm ma và dương xỉ sinh sôi nhờ lượng dự trữ nitrogen, phospho, kali, canxi và magie khổng lồ. Do những dưỡng chất này dồi dào trong hố thiên đường, thực vật hấp thụ chúng để có thể mọc cao và tận dụng ánh sáng ít ỏi chiếu tới. Thực vật có thể thích nghi với môi trường bất lợi bằng cách điều chỉnh thành phần dưỡng chất, theo nhóm nghiên cứu đứng đầu là Thomas R. Sharp ở tổ chức Wildlife SOSn tại Utah, Mỹ.

Hố thiên đường là những hố sâu 100 m ở vùng núi đá vôi phía tây nam Trung Quốc. Chúng chứa nhiều loài thực vật ưa độ ẩm và bóng râm, bao gồm các loài đặc hữu trong vùng. Do vách đá sừng sững và địa hình dốc của tiankeng, nơi này ít bị quấy rầy bởi hoạt động của con người. Hố thiên đường là ngôi nhà của thực vật rừng đá vôi hiện đại, bao gồm cóc Nepal (Choerospondias axillaris) và cây chàm mèo (Strobilanthes cusia).

Trong nghiên cứu, nhóm tác giả thu thập mẫu từ 64 loài thực vật trong và ngoài hố tiankeng ở huyện Lạc Nghiệp, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Huyện Lạc Nghiệp là nơi có cụm hố thiên đường Dashiwei, một kỳ quan địa chất bao gồm 30 hố sụt trên khu vực rộng 20 km2. Để xác định việc hấp thụ dưỡng chất và chiến thuật phát triển của số thực vật đó có khác biệt tùy theo môi trường hay không, nhóm nghiên cứu đo lượng carbon và dưỡng chất trong mỗi mẫu vật. Thực vật mọc bên trong hố thiên đường có lượng carbon thấp hơn thực vật mọc bên ngoài, nhưng các nguyên tố khác đều ở mức cao hơn, như canxi và kali.

Carbon rất cần thiết đối với thực vật, cấu tạo phần lớn bộ khung của chúng và những cấu trúc cải thiện khả năng giữ nước. Nhưng điều kiện ẩm ướt bên trong hố thiên đường có nghĩa thực vật vẫn phát triển với lượng carbon thấp hơn trong mô bởi chúng không cần dự trữ nhiều nước. Cây cối mọc trên mặt đất cần thu thập nhiều carbon hơn, nhiều khả năng bởi rừng cây bên ngoài hố có cường độ ánh sáng cao, tốc độ bay hơi nhanh, đất nghèo dưỡng chất, sự can thiệp lớn hơn từ hoạt động của con người và dễ bị mất đất hơn.

So với cây cối trên bề mặt, thực vật mọc trong hố thiên đường có lượng nitrogen và phospho cao hơn, cả hai đều hút từ đất. Đất ở đáy hố thiên đường chứa nhiều nguyên tố này hơn đất bề mặt, hé lộ cây hấp thụ dưỡng chất dễ dàng hơn. Đất đá vôi cũng giàu canxi và magie. Cây cối trong hố có tỷ lệ những nguyên tố này cao hơn cây ở bên ngoài, đồng thời sở hữu lượng kali cao, dù kali tương đối hiếm ở đất đá vôi.

"Tình trạng dưỡng chất ở đất trong hố thiên đường rất tốt và thực vật tiến hóa để tận dụng tốt nhất tài nguyên sẵn có nhằm phát triển nhanh và thu thập nhiều ánh sáng hơn", nhóm nghiên cứu kết luận.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022