VNE-Dog-9435-1722331501.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zUQDYG6LjbYDSQiaHBRhRQ

Một con chó hoang ở trước Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed ở Istanbul. Ảnh: Al-Monitor

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/7 thông qua đề xuất tiêu diệt một phần trong số 4 triệu con chó hoang, một biện pháp mà những người phản đối cho rằng có thể dẫn tới cuộc tàn sát động vật quy mô lớn, theo AFP. Điều khoản gây tranh cãi này nằm trong dự thảo luật quyết định số phận của chó hoang, theo đó, những con chó bị bệnh hoặc có hành vi hung hăng buộc phải bị diệt trừ. Phần còn lại của đạo luật đang được tranh luận và dự kiến áp dụng trong vài ngày tới.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết điều khoản trợ tử rất cần thiết nhằm ngăn chặn các vụ chó tấn công và sự lây lan của bệnh dại. Theo họ, những con chó vô gia cư khác sẽ bị bắt tập thể, đưa vào trung tâm cứu trợ động vật để chờ người nhận nuôi. Phe chỉ trích kế hoạch cho rằng phụ thuộc vào khu bảo tồn động vật và người nhận nuôi không khả thi do số lượng quá lớn. Các nhà vận động vì quyền động vật lo ngại dự thảo luật này là cách che đậy cuộc tàn sát quy mô lớn bất chấp phủ nhận từ chính phủ. Thay vào đó, họ ủng hộ chiến dịch triệt sản tập thể.

Các nghị sĩ bắt đầu xem xét đạo luật 17 điều luật hôm 28/7, khi những đại biểu phản đối biện pháp biểu tình bằng cách đeo găng tay trắng có vệt máu giả. Cuộc tranh cãi gợi nhắc tới thảm kịch năm 1910 khi chính quyền Ottoman vây bắt khoảng 60.000 con chó hoang ở Istanbul và đưa chúng đến đảo hoang trên biển Marmara. Không có thức ăn, những con chó buộc phải ăn thịt lẫn nhau.

Trước cuộc tranh luận, tổng thống Recep Tayyip Erdogan chia sẻ Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với vấn đề "không giống bất kỳ quốc gia văn minh nào" và số lượng chó hoang "đang gia tăng theo cấp số nhân". Trong tình hình đảng bảo thủ AKP và đồng minh chiếm đa số trong quốc hội, ông Erdogan nhấn mạnh người dân muốn "đường phố an toàn". Đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa kiểm soát Istanbul và những thành phố lớn khác, cho biết các thị trưởng của họ sẽ không áp dụng đạo luật nếu quốc hội thông qua. Những cuộc biểu tình diễn ra trong nhiều tuần gần đây, bao gồm bên trong quốc hội.

Điều khoản trợ tử được thông qua hôm 29/7 nêu rõ chó hoang sẽ bị giết nếu chúng "trở thành mối đe dọa đối với đời sống hoặc sức khỏe của người dân và động vật, thể hiện hành vi tiêu cực không thể kiểm soát, mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh không thể cứu chữa, hoặc việc nhận nuôi bị cấm". Chính phủ cho biết thị trưởng từ chối thi hành luật có thể bị phạt tù.

An Khang (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022