VNE-Hole-1747825224-8457-1747825282.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f_GzIHReqSAiwwAiZhVisQ

Ảnh chụp năm 2012 hé lộ nơi có ít ozone nhất (phần màu xanh dương và tím) phía trên Nam Cực. Ảnh: Yahoo

Nghiên cứu công bố năm 2023 của Đại học Otago, New Zealand, cho thấy lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực có diện tích tối đa lên tới 26 triệu km2, gấp khoảng 3,4 lần diện tích đất liền Australia và lượng ozone trong lõi lỗ thủng đã giảm 26% kể từ năm 2004.

Tuy nhiên lỗ thủng tầng ozone lớn và sâu vẫn hình thành mỗi mùa xuân ở Nam Cực, sâu và lớn nhất vào cuối tháng 9. Theo Jon Shanklin, nghiên cứu viên danh dự tại Cơ quan khảo sát Nam Cực Anh (BAS), sự phục hồi rất chậm và lỗ thủng tầng ozone sẽ vẫn tồn tại trong 50 năm nữa hoặc lâu hơn.

Thực tế, dù lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực có dấu hiệu phục hồi, quá trình chữa lành hết sức chậm rãi. CFC có tuổi thọ hơn 50 năm trong khí quyển, vì vậy ngay cả khi không có thêm lượng phát thải, tình trạng phục hồi hoàn toàn có thể không xảy ra cho đến sau năm 2070, nhất là dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Cách đây 40 năm các nhà khoa học đã công bố phát hiện lỗ thủng tầng ozone. Theo USA Today, phát hiện năm 1985 của các nhà khoa học tại BAS nhận biết hiện tượng mỏng đi đáng kể của tầng ozone bên trên Nam Cực, thôi thúc sự quan tâm toàn cầu về nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học xác định, việc sản xuất chlorofluorocarbon (CFC), sử dụng rộng rãi trong tủ lạnh, bình xịt, dung môi và bình chữa cháy, là nguyên nhân gây ra vấn đề. Khi nguyên tử clo và brom từ CFC bay lên và tiếp xúc với ozone trong tầng bình lưu, chúng phá hủy phân tử ozone, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Ozone có thể bị phá hủy nhanh hơn so với tốc độ tự nhiên tạo ra.

Phát hiện lỗ thủng tầng ozone dẫn tới sự ra đời của Nghị định thư Montreal chỉ hai năm sau đó. Montreal được đánh giá là một trong những hiệp định quốc tế thành công nhất trong việc giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu, giúp đạt được sự đồng thuận trên toàn thế giới để loại bỏ dần các chất gây hại cho tầng ozone như CFC.

Nằm ở tầng bình lưu, tầng ozone hoạt động như lớp kem chống nắng, ngăn chặn năng lượng tia cực tím có khả năng gây hại tiếp cận bề mặt Trái Đất. Nếu không có nó, con người và động vật có thể đối mặt tỷ lệ ung thư da tăng cao, tổn thương ADN, đục thủy tinh thể và nhiều bệnh khác. Nó cũng ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý và phát triển của thực vật.

An Khang (Tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022