Tại buổi phát động Giải thưởng sáng 8/8, GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết đây là lần thứ ba tổ chức giải. Trong 2 lần trước, vào những năm 2016 và 2019, có 6 công trình được vinh danh, thuộc nhiều lĩnh vực, phạm vi ứng dụng.

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 tiếp nhận hồ sơ từ ngày 1/10-31/12, xét trên 9 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ gồm: Toán học; Cơ học; Khoa học thông tin và khoa học máy tính; Vật lý; Hóa học; Khoa học về sự sống; Khoa học về trái đất; Khoa học biển; Khoa học môi trường và năng lượng.

Công trình phải được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế trong và ngoài nước. Các công trình khoa học ứng cử phải được triển khai ứng dụng ở Việt Nam, có đóng góp hoặc có triển vọng đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cho đất nước.

Giải thưởng không giới hạn với nhà khoa học trẻ và có thể được trao cho một nhà khoa học nước ngoài có công trình mang giá trị ứng dụng với kinh tế, xã hội và sự phát triển về con người, đất nước Việt Nam.

chu-hoang-ha-1723091991-172309-2025-8911-1723092097.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NodzGRlgAci_3Ktitl4YwA

GS.TS Chu Hoàng Hà phát biểu tại lễ phát động giải thưởng sáng 8/8. Ảnh: VAST

GS.TS Nguyễn Đại Hưng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học chuyên ngành Vật lý và Cơ học, cho biết, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa hướng tới công trình khoa học công nghệ mang tính ứng dụng "đặt rõ tiêu chí về nghiên cứu đột phá trong công bố, sáng chế và chứng tỏ được tính ứng dụng lâu dài, mang tính quy mô, thực tiễn đời sống xã hội.

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ ba (năm 2025) dự kiến trao vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học công nghệ và 50 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Giải thưởng bắt đầu từ năm 2016, đến nay các công trình được vinh danh gồm: "Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế", của GS.TS Nguyễn Văn Tuyên (năm 2019); "Quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam" của PGS.TS Đinh Duy Kháng (năm 2019) hay "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ đồng bằng sông Cửu Long" của GS.TS Nguyễn Thị Lang (năm 2019)...

Như Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022