Ho-Victoria-set-1743307868-2728-1743308514.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jZsRu_zx1EHRCcxlSLgJ8Q

Tảo nở hoa độc hại đã biến một số khu vực của hồ Victoria thành "vùng chết". Ảnh: MODIS Land Rapid Response Team/NASA GSFC

Victoria, hồ lớn nhất châu Phi và cũng là hồ nhiệt đới lớn nhất thế giới, nằm ở khu vực biên giới giữa 3 quốc gia Uganda, Kenya, Tanzania. Có tới hơn 47 triệu người đang sống dựa vào hồ nước này. Tuy nhiên, hồ đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng - nước hồ chuyển màu xanh lá, IFL Science hôm 29/3 đưa tin.

Màu sắc bất thường bắt nguồn từ sự gia tăng các hiện tượng tảo nở hoa độc hại (HAB) - cụ thể là do tảo lam hay vi khuẩn lam. Đây là kết quả của quá trình phú dưỡng, xảy ra khi một vùng nước dư thừa dưỡng chất, dẫn đến những sinh vật như thực vật và tảo phát triển bùng nổ.

Trong trường hợp hồ Victoria, phú dưỡng và HAB xuất hiện do hoạt động của con người đã đưa dưỡng chất vào nước hồ suốt hơn một thế kỷ. Nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và công nghiệp đều liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra còn có các sản phẩm từ hoạt động đốt rừng, đốt sinh khối và hoạt động công nghiệp được đưa vào khí quyển và đổ xuống hồ.

Biến đổi khí hậu cũng góp phần khiến hồ Victoria chuyển màu xanh lá. "Tảo nở hoa đang trở nên phổ biến hơn trên thế giới vì nhiệt độ tăng thúc đẩy tảo lam phát triển và mưa lớn hơn mang đến chất dinh dưỡng từ cảnh quan", các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan và Đại học Bowling Green State giải thích.

Hàng triệu người dựa vào nguồn cung nước ngọt của hồ Victoria - hồ nước ngọt lớn thứ hai thế giới, chỉ sau hồ Superior ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, HAB khiến nước trở nên không an toàn.

Nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học từ Đại học Michigan và Đại học Bowling Green State cho thấy Microcystis, một loại tảo lam phổ biến ở vịnh Winam của hồ Victoria, đang tiết ra lượng lớn độc tố microcystin. "Đây là một độc tố gây tổn thương gan có thể giết chết gia súc gia cầm, động vật hoang dã và con người, đặc biệt là người có hệ miễn dịch không tốt. Tại vịnh Winam, độc tố này thường xuyên cao hơn mức giới hạn sức khỏe mà WHO đặt ra", nhóm nghiên cứu giải thích.

Hồ Victoria cũng cung cấp thực phẩm cho con người, chủ yếu là cá. Tuy nhiên, HAB không chỉ tiết độc tố gây hại cho cá và động vật hoang dã khác mà còn có thể làm cạn kiệt oxy trong hồ.

Thực tế, một nghiên cứu gần đây chỉ ra, hiện tượng phú dưỡng gây ra những thay đổi lớn trong mạng lưới thức ăn ở vịnh Mwanza của hồ Victoria, trở thành một trong những yếu tố làm sụt giảm lượng cá. Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở một số khu vực khác của hồ, đặc biệt là các vùng sâu hơn. Một số nơi hiện thiếu oxy đến mức không còn khả năng duy trì sự sống.

Việc tìm hiểu thêm về loại tảo lam đằng sau HAB có thể giúp giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Ví dụ, nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Đại học Michigan và Đại học Bowling Green State đã xác định loại tảo lam nào phổ biến nhất ở vịnh Winam, và loại nào đang tiết ra độc tố đáng lo ngại. Thông tin này có thể giúp nhà chức trách hiểu rõ hơn về những điều cần chú ý, sau đó cảnh báo người dân khi hiện tượng tảo nở hoa xuất hiện.

Việc phòng ngừa cũng rất quan trọng. Giải quyết biến đổi khí hậu sẽ cần nhiều nỗ lực, nhưng ở cấp độ địa phương, các nhà khoa học đề xuất cải tiến các chỉ dẫn, nâng cấp cơ sở hạ tầng dùng cho nông nghiệp và xử lý nước, trồng lại rừng, bảo vệ đất đai trước hoạt động của con người, để ngăn dưỡng chất dư thừa xâm nhập hồ Victoria.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022