
Tòa nhà cao tầng đang thi công đổ sập do rung chấn ở Bang Sue, Bangkok. Video: Phoenix TV
Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra tại Myanmar hôm 28/3 đã phá hủy nhiều con đường, gây hư hại nhiều công trình và khiến hơn 1.600 người thiệt mạng. Myanmar là khu vực có nguy cơ động đất cao, trong khi quốc gia láng giềng Thái Lan không chịu rủi ro lớn như vậy.
Tuy nhiên, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng từ trận động đất hôm 28/3. Thủ đô Bangkok, dù cách tâm chấn tới hơn 1.000 km, vẫn có một tòa nhà cao tầng đang thi công bị trận động đất đánh sập. Tại sao trận động đất này có thể gây tác động mạnh ở nơi xa như vậy?
Có một đường đứt gãy lớn mang tên Sagaing cắt xuyên qua Myanmar từ bắc xuống nam và dài hơn 1.200 km. Dữ liệu ban đầu cho thấy chuyển động gây ra trận động đất 7,7 độ là "trượt ngang" - khi hai khối đất trượt qua nhau theo chiều ngang.
Điều này phù hợp với chuyển động điển hình của đứt gãy Sagaing. Khi các khối di chuyển qua nhau, chúng có thể bị kẹt lại, tạo ra ma sát cho đến khi đột ngột được giải phóng và đất dịch chuyển, gây ra động đất.
Động đất có thể xảy ra ở độ sâu lên đến 700 km dưới bề mặt. Trận động đất ở Myanmar chỉ sâu 10 km, nghĩa là rất nông, làm tăng mức độ rung lắc ở bề mặt. Trận động đất cũng rất mạnh, đạt 7,7 độ theo thang độ lớn mô men. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), nó tạo ra nhiều năng lượng hơn quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Quy mô của trận động đất là do loại đứt gãy, theo tiến sĩ Rebecca Bell, chuyên gia về kiến tạo tại Đại học Hoàng gia London. "Tính chất thẳng của đường đứt gãy đồng nghĩa động đất có thể diễn ra trên diện tích lớn - và diện tích của đứt gãy trượt càng lớn thì động đất càng lớn. Đã có 6 trận động đất mạnh 7 độ trở lên xảy ra ở khu vực này trong thế kỷ qua", bà giải thích.
Đường đứt gãy thẳng cũng đồng nghĩa, một lượng lớn năng lượng có thể được truyền dọc theo chiều dài của nó, chạy dài 1.200 km về phía nam, hướng tới Thái Lan.
Việc động đất được cảm nhận như thế nào trên bề mặt cũng phụ thuộc vào loại đất. Trong nền đất mềm của Bangkok, các sóng địa chấn (sự rung động của Trái Đất) chậm lại rồi tích tụ, trở nên lớn hơn. Như vậy, địa chất của Bangkok sẽ khiến mặt đất rung chuyển dữ dội hơn.

Nước từ các bể bơi vô cực trào khỏi nhà cao tầng do rung chấn ở Bangkok, Thái Lan. Video: X/Evan Luthra
Có nhiều video ấn tượng về những tòa nhà cao tầng ở Bangkok rung lắc trong trận động đất và nước tràn ra từ bể bơi trên tầng thượng, nhưng Tòa nhà Văn phòng Tổng kiểm toán 34 tầng đang thi công ở quận Bang Sue có vẻ là tòa nhà chọc trời duy nhất sụp đổ.
Theo tiến sĩ Christian Málaga-Chuquitaype, giảng viên cấp cao về kỹ thuật động đất tại Đại học Hoàng gia London, trước năm 2009, Bangkok không có tiêu chuẩn an toàn toàn diện về việc xây dựng công trình có khả năng chịu động đất, đồng nghĩa các tòa nhà cũ sẽ rất dễ bị tổn thương. Điều này không có gì bất thường vì việc xây công trình chống động đất thường tốn kém hơn và Thái Lan, khác với Myanmar, không thường xuyên xảy ra động đất.
Emily So, giáo sư kỹ thuật kiến trúc tại Đại học Cambridge, lưu ý rằng người ta vẫn có thể gia cố các công trình cũ, ví dụ như ở California, miền tây Canada và New Zealand. Theo giáo sư Amorn Pimarnmas, chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư Kết cấu Thái Lan, dù 43 tỉnh đã có quy định về công trình chống động đất, ước tính chỉ chưa đến 10% tòa nhà có khả năng này.
Tuy nhiên, tòa nhà bị sập rất mới, thậm chí vẫn đang trong quá trình xây dựng khi trận động đất xảy ra, và các tiêu chuẩn xây dựng mới nhất sẽ được áp dụng.
Pimarnmas cho biết, nền đất mềm của Bangkok có thể là một nguyên nhân gây sập vì nó có thể khuếch đại chuyển động đất lên gấp 3 hoặc 4 lần. "Tuy nhiên, vẫn còn những giả định khác như chất lượng vật liệu (bêtông và cốt thép) và một số bất thường trong hệ thống kết cấu. Những điều này vẫn cần được điều tra chi tiết", ông nói thêm.
Sau khi nghiên cứu video, Málaga-Chuquitaype cho rằng có vẻ quy trình xây dựng "sàn nấm" đã được áp dụng - quy trình này hiện không còn được khuyến khích ở những khu vực dễ xảy ra động đất.
"Hệ thống sàn nấm là phương pháp xây dựng tòa nhà trong đó sàn được đặt trực tiếp trên các cột mà không sử dụng dầm. Hãy tưởng tượng một chiếc bàn chỉ chống đỡ bằng chân bàn, không có thêm thanh đỡ ngang nào bên dưới. Thiết kế này có lợi thế về chi phí và kiến trúc, nhưng lại kém hiệu quả trong điều kiện động đất, thường đổ sập kiểu gãy vụn và đột ngột (gần như nổ)", ông giải thích.
Thu Thảo (Theo BBC)