![VNE-Am-1739102714-4589-1739102747.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bVthu5aa4KvyY0KHu8OgLQ](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/09/VNE-Am-1739102714-4589-1739102747.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bVthu5aa4KvyY0KHu8OgLQ)
Crosser được thiết kế để chạy dưới nước nếu gặp tắc đường. Ảnh: Bernardo Pereira
Nhà thiết kế Bernardo Pereira tạo ra Crosser, một phương tiện lưỡng cư tự động có thể chạy dưới nước khi gặp tắc nghẽn giao thông trên đường. Giới thiệu ý tưởng lần đầu tiên vào tháng 2/2024, sau đó nhà thiết kế chỉnh sửa lại Crosser, khắc phục lỗi của phiên bản đầu tiên ở thế hệ thứ hai. Phần cửa giờ đây ở trên mặt nước, đồng thời Pereira tăng độ rộng của phương tiện để không gian trong xe rộng rãi hơn. Ông cũng giảm chiều cao của ghế và phát triển một ứng dụng dành cho cỗ xe giống xe van điện, theo Design Boom.
Pereira thiết kế Crosser theo dạng module. Cỗ xe có thể trở thành xe hai chỗ ngồi, xe bán tải với không gian chở hàng phía sau, hoặc phương tiện giao thông cho hoạt động thực địa như phản ứng khẩn cấp. Nếu được dùng để vận chuyển khẩn cấp, buồng lái sẽ kết hợp cả chức năng tự động và có người lái. Nhờ đó, tài xế vẫn có thể điều khiển vô lăng với chức năng lái tự động hỗ trợ.
Không gian bên trong phương tiện lưỡng cư tự động Crosser cũng có dạng module. Người sử dụng có thể hoán đổi các cách bố trí với hai mặt bằng đối xứng. Cabin có hình chữ nhật bo tròn ở góc. Nó có thể chứa thêm thiết bị như loa nếu cần. Tổng cộng, cabin có 4 chỗ ngồi, mỗi bên có hai chỗ với khoảng để chân ở giữa. Khu vực này cũng có thể dùng làm nơi lưu trữ tạm thời khi hành khách mang theo đồ dùng.
Phần cửa của Crosser trang bị công nghệ NFC chỉ cho phép những hành khách đặt xe mở ra. Họ có thể đặt điện thoại thông minh gần màn hình LED trên cửa. Cửa xe cũng tự động đóng. Khi cảm biến dưới ghế phát hiện trọng lượng của hành khách, chúng trượt ra và đóng lại. Màn hình bên ngoài Crosser kéo dài quanh xe, che giấu camera và cảm biến phục vụ lái tự động. Hệ thống camera và cảm biến có thể phát hiện thay đổi ở chế độ lái và điều chỉnh bố trí trên xe.
Khi vào và ra đường thủy như kênh đào, Crosser sẽ chạy chậm lại trước khi tăng tốc. Bánh trước xoay 30 độ để điều chỉnh giữa chạy đường bộ và đường thủy. Khi trở lại đường bộ, hệ thống treo của Crosser tự động điều chỉnh phù hợp với điều kiện mặt đường. Theo Pereira, phương tiện hướng tới mức độ tự động cấp 5 khi chạy trong môi trường trên mặt đất và dưới nước nhờ các công nghệ như radar, Lidar, cảm biến siêu thanh, camera nhiệt có thể chụp ảnh kỹ thuật số xung quanh.
Về trang bị an toàn, Crosser sử dụng theo dõi thời gian thực. Cảm biến của nó cũng phát hiện va chạm, tự động triển khai túi khí bên trong và ngoài xe nhằm bảo vệ hành khách và thân xe. Phương tiện sẽ không khởi động trừ khi tất cả hành khách thắt đai an toàn. Mỗi hành khách có thể bấm nút "Dừng" phía trên ghế trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, có một thiết bị nổi ở bên hông xe. Khi cỗ xe gặp vấn đề ở đường thủy, xe có thể tự kích hoạt hệ thống nổi trong lúc hành khách chờ cứu hộ.
Về kết cấu, Crosser bao gồm 5 phần, có một máy tính đặt gần cầu xe. Bộ pin của xe nằm ở chính giữa để cân bằng trọng lượng. Cấu trúc chính của xe sử dụng những bộ phận bằng hợp kim nhôm và magie giúp giảm tải trọng. Cỗ xe có phần thùng ở đáy giúp phương tiện không bị chìm trong nước. Phần thùng này sử dụng bọt polyurethane để tăng thêm lực nổi và có 4 ống bô đẩy nước để tạo ra lực đẩy. Crosser trang bị 4 motor điện đặt bên trong bánh xe và phía sau đĩa phanh. Cổng sạc của Crosser nằm ở góc xe để không bị ngập nước.
An Khang (Theo Design Boom)