VNE-Rock-1738987350-6810-1738987424.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7N7ykm4IFK3R-3DY3SJlmw

Một khối đá trovant với những cục lồi lên trên bề mặt. Ảnh: BBC

Gần một ngôi làng ở miền trung Romania có những khối đá có thể phát triển và sinh sản như vật thể sống. Loại đá khác thường gọi là trovant này đùn ra khối đá con, có thể rơi ra và tự sinh trưởng. Trovant gần như chỉ tồn tại ở Romania, đặc biệt gần làng Costești, nơi chúng được bảo vệ bởi Khu bảo tồn Thiên nhiên Bảo tàng Trovants. Điều kiện địa chất và khoáng chất hiếm gặp ở miền trung Romania (cũng như ít nơi ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ) rất cần thiết để hình thành trovant, bao gồm một nhân đá cứng bao quanh bởi lớp vỏ sa thạch, theo Geology In.

Trovant lớn thêm khoảng 5 cm sau 1.000 năm thông qua lớp vỏ sa thạch dày lên. Lớp vỏ đó tạo từ những mẩu đá gắn kết với nhau bằng đá vôi. Nó rỗng đến mức có thể hấp thụ khoáng chất như canxi carbinate từ nước mưa. Sau đó, lớp vỏ đóng vai trò như máy trộn xi măng, kết hợp khoáng chất với nước để tạo ra một hợp chất rỉ ra từ mặt đá, làm tăng thêm chu vi của nó.

Kết quả từ quá trình phát triển đó là trovant thường phồng ra và trơn nhẵn. Cục lồi lên có thể xuất hiện trên trovant nếu nước mưa thường xuyên rơi lên mặt đá. Trải qua hàng nghìn năm, chúng dẫn tới sự ra đời của khối trovant non. Trọng lượng của khối trovant non có thể khiến nó tách khỏi tảng đá mẹ. Trovant có đủ mọi hình dáng và kích cỡ, từ vài centimet tới vài mét.

Các nhà địa chất học cho rằng ban đầu trovant có nguồn gốc từ những trận động đất cách đây hơn 5 triệu năm. Rung chấn có thể nén trầm tích chứa cát từ môi trường thủy sinh cổ đại thành những khối đá tròn. Giả thuyết này được củng cố bởi hóa thạch động vật hai mảnh vỏ và chân bụng mà giới nghiên cứu đôi khi tìm thấy bên trong trovant.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022