nguoi-viet-tu-vong-o-bangkok-1721231038309113960371-0-44-385-660-crop-1721231983136424441696.jpgTin sáng 18/7: Thông tin mới vụ 6 người Việt tử vong tại Thái Lan; dự báo điểm chuẩn xét tuyển đại học ở các khối truyền thống sẽ tăng

GĐXH - Cảnh sát cho rằng động cơ gây án vụ người Việt tử vong tại Thái Lan liên quan đến chuyện nợ nần; điểm thi tốt nghiệp trung bình ở nhiều môn đã tăng lên so với các năm trước, điều này có thể khiến điểm chuẩn ở một số tổ hợp cũng tăng theo.

Tiền Phong đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 18/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật thông tin về vụ 6 người Việt tử vong tại một khách sạn ở Thái Lan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với phía Thái Lan nhằm thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam; yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với phía Thái Lan và sớm xác minh nhân thân của các nạn nhân; đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Thái lan theo dõi sát vụ việc, kịp thời báo cáo diễn biến điều tra; triển khai công tác bảo hộ công dân, thăm hỏi, hướng dẫn, hỗ trợ người nhà nạn nhân các thủ tục di quan theo quy định.

nguoi-viet-tu-vong1-17213156013611831022368.jpg

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã cung cấp thông tin về vụ việc cho các cơ quan chức năng của Bộ Công an để triển khai những biện pháp nghiệp vụ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Thái Lan để cập nhật tình hình, hỗ trợ công tác điều tra và đề nghị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Bộ Ngoại giao Thái Lan cung cấp thông tin về diễn biến vụ việc và tạo điều kiện để Đại sứ quán triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.

Ngày 16/7, thi thể 6 người, trong đó có 4 người Việt Nam và 2 người gốc Việt mang quốc tịch Mỹ, được tìm thấy trong một căn phòng của khách sạn Grand Hyatt Erawan ở trung tâm thủ đô Bangkok.

Theo thông tin mà cảnh sát Thái Lan đưa ra, 1 người trong số này – bà Chong Sherine (56 tuổi), là nghi phạm đầu độc 5 người còn lại bằng cách cho chất độc xyanua vào trà, sau đó cũng uống trà tự tử. Trong số những người tử vong, bà Chong Sherine và ông Dang Hung Van đều mang quốc tịch Mỹ.

Bốn người còn lại mang quốc tịch Việt Nam, gồm: Nguyen Thi Phuong Lan (47 tuổi), Pham Hong Thanh (49 tuổi), Tran Dinh Phu (37 tuổi), và Nguyen Thi Phuong (46 tuổi).

Theo lời kể của các thân nhân các nạn nhân, bà Nguyen Thi Phương Lan đóng vai trò giới thiệu, môi giới cho bà Chong Sherine để thuyết phục vợ chồng bà Nguyen Thi Phương và ông Pham Hong Thanh, một nhà thầu xây dựng ở Việt Nam, đầu tư 278.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) để xây một bệnh viện ở Nhật Bản.

Vụ đầu độc được tin là xảy ra do việc đầu tư không tiến triển và vợ chồng bà Nguyen Thi Phuong và ông Pham Hong Thanh đã kiện ra tòa.

Chưa rõ vai trò của hai người Tran Dinh Phu và Dang Van Hung như thế nào. Hai người này chưa đầu tư tiền, nhưng được cho là cũng được mời đến dự để bàn về các dự án đầu tư tiềm năng.

Cảnh sát đã thẩm vấn hướng dẫn viên người Việt Nam tên là Phan Ngọc Vũ (35 tuổi), có quen biết bà Nguyen Thi Phuong Lan. Vũ cho biết người phụ nữ này đã nhờ anh mua “thuốc rắn” (một loại thuốc chữa đau khớp) với giá 11.000 baht.

Anh ta nhờ một hướng dẫn viên khác có biệt danh là “Tiger” mua nó. Cảnh sát đang tìm kiếm hướng dẫn viên thứ hai này và kiểm tra hình ảnh trên camera giám sát.

Báo Khaosod Thái Lan dẫn nguồn tin cho biết, nếu bà Nguyen Thi Phuong Lan là người mua thuốc độc thì bà có thể bị coi là nghi phạm thứ hai trong vụ đầu độc này.

Cảnh sát đã thẩm vấn chồng Lan. Ông cho biết, mình có con chung với bà Lan nhưng hai người không sống cùng. Ông không biết vợ tham gia vào công việc kinh doanh gì. Tuy nhiên, trước khi bà qua đời, ông đã có cuộc gọi video với bà Lan.

Chồng bà Lan đã gọi điện cho Vũ để nhờ đổi tiền cho em vợ, tức em gái bà Lan. Em gái bà Lan sau đó trở về Việt Nam vào ngày 10/7. Vũ đã đổi 70 triệu đồng sang 90.000 baht và mang tiền đến cho em gái bà Lan. Sau khi nhận tiền, em gái bà Lan trở về Đà Nẵng trong ngày hôm sau.

Cảnh sát Bangkok cho biết, dấu vết của xyanua được tìm thấy trong máu của cả 6 người. Thi thể của họ được phát hiện trong khoảng thời gian từ 12-24 giờ sau khi họ chết. Chưa rõ mỗi người đã uống bao nhiêu xyanua. Việc xác định họ có uống chất nào khác hay không sẽ phải chờ 1-2 tuần nữa mới có kết quả.

Cài đặt dịch vụ công giả mạo, người đàn ông ở Hà Nội mất 10 tỷ đồng

Chiều 18/7, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hành vi giả danh công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo.

gia-mao-1721314401511467688859.jpg

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Công an quận Cầu Giấy đã tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (trú tại Cầu Giấy) về việc anh nhận được điện thoại của một đối tượng giả danh cán bộ công an. Người này yêu cầu anh cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo.

Tin tưởng, anh T. đã cài đặt và phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 10 tỷ đồng. Anh T. sau đó đã đến cơ quan công an trình báo.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị các đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại, sau đó truy cập vào tài khoản chuyển hết tiền của bị hại.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hai vợ chồng ôm con 9 tháng đi bộ về quê: Chủ thầu liên lạc và hứa trả tiền

VNN đưa tin, ngày 18/7, Trung tá Lê Phước Ngãi - Phó trưởng trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa nhận được cuộc gọi cảm ơn của vợ chồng anh Đỗ Bá Duy (SN 2001) và chị Bàn Mai Hương (SN 2002), cùng trú thôn Vân Giang, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khi đã hỗ trợ gia đình về quê.

ve-que-1721314686927485224334.jpg

Gia đình anh Duy được Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp giúp đỡ khi đi đến Đà Nẵng. Ảnh: VNN

“Sáng nay, vợ chồng anh Đỗ Bá Duy gọi điện cảm ơn Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp, cùng các nhà báo đã giúp đỡ, hỗ trợ tinh thần và vật chất để gia đình về quê.

Nhà xe mà chúng tôi nhờ đưa vợ chồng anh Duy ra Hà Nội không thu tiền xe, còn tài trợ tiền ăn uống dọc đường. Họ cũng liên hệ với các xe chạy tuyến Hà Nội - Tuyên Quang để sớm đưa gia đình anh Duy về quê. Hiện, gia đình anh Duy đã về đến bến xe ở Hà Nội”, Trung tá Lê Phước Ngãi chia sẻ.

Theo Phó trưởng trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp, vợ chồng anh Duy cũng cho biết thêm, sau khi báo chí đưa tin về trường hợp của gia đình anh, chủ thầu đã gọi điện thông báo sẽ chuyển toàn bộ số tiền lương và giấy tờ tùy thân mà họ đã giữ về địa phương theo địa chỉ cư trú. Phía chủ thầu mong vợ chồng anh Duy bỏ qua.

Cũng theo Trung tá Lê Phước Ngãi, sau khi thông tin vợ chồng anh Duy được đăng tải, các cơ quan, ban, ngành của TP Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương, cũng như một số nhà hảo tâm đã liên lạc với Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp để nắm thông tin làm rõ vụ việc liên quan đến chủ doanh nghiệp không trả lương cho người lao động, thông tin về hoàn cảnh của gia đình anh Duy để hỗ trợ, giúp đỡ.

“Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp đã cung cấp thông tin trong phạm vi cho phép nhằm giúp các các cơ quan, tổ chức làm rõ sai phạm của chủ sử dụng lao động để xử lý; đồng thời giúp đỡ vợ chồng anh Duy trong lúc khó khăn, không để xảy ra các trường hợp tương tự”, Trung tá Ngãi cho hay.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Trung Tín – Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương cho hay, đã liên hệ với anh Đỗ Bá Duy nắm thông tin và được anh Duy cho biết, đơn vị thuê vợ chồng anh làm việc ở Khu công nghiệp Bình Dương đã gọi điện và hứa ngày 19/7 sẽ ra trả tiền.

Hà Nội: Phá đường dây 'hô biến' học bạ điểm thấp thành điểm cao để đi du học

Ngày 18/7, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 4 đối tượng để điều tra về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

hoc-ba-gia-1721315424307741437014.jpg

Nhóm đối tượng liên quan. Ảnh: T.V

Các đối tượng bị khởi tố gồm: Phạm Viết Lương (SN 1988, trú tại xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An); Lê Thị Hằng Nga (SN 1990, ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội); Hà Thế Duy (SN 1986, trú tại xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) và Hồ Thị Quỳnh Liên (SN 1991, ở phường Trường Thi, thành phố Vinh, Nghệ An).

Trước đó, Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện nam thanh niên tên H.T.D - tài xế xe ôm công nghệ mang theo hồ sơ có biểu hiện nghi vấn. Làm việc với cơ quan công an, D. khai nhận đã nhiều lần đi lấy giấy tờ giả giao cho khách.

Quá trình xác minh, làm rõ đối tượng sản xuất giấy tờ giả là Phạm Viết Lương, Lê Thị Hằng Nga đăng quảng cáo nhận làm các loại bằng giả và Hồ Thị Quỳnh Liên là người đặt làm bằng giả.

Khám xét nơi ở của Lương tại huyện Mê Linh (Hà Nội), cơ quan công an thu giữ 1 máy khắc laze màu xanh trắng, 1 máy tính xách tay, 1 máy in màu, 100 vỏ bìa hồ sơ, 126 quyển học bạ THPT các loại chưa qua sử dụng, 14.568 con tem bảy màu các loại, 596 mặt con dấu các loại, 7 hộp dấu các loại, 38 phôi bằng tốt nghiệp THPT chưa qua sử dụng, 1 máy ép plastic...

Quá trình điều tra xác định Hồ Thị Quỳnh Liên là nhân viên tại tại một công ty tư vấn du học có địa chỉ tại TP Vinh (Nghệ An) đã liên hệ với Nga để làm giả học bạ khi gặp trường hợp học sinh điểm thấp không đủ điều kiện đi du học.

Vàng miếng SJC bất ngờ tăng hơn 3 triệu đồng/lượng sau hơn 1 tháng đứng im

Trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tiếp tăng, chinh phục các mức kỷ lục mới, sáng 18/7, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng hơn 3 triệu đồng lên 80 triệu đồng/lượng, trong khi đó vàng nhẫn cũng tăng mạnh lên 77,5 triệu đồng/lượng.

vang-mieng-172131823709999143073.jpg

Ảnh minh họa

Tại thời điểm 9 giờ 30 phút sáng 18/7, giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 78,5 triệu đồng/lượng mua vào và 80 triệu đồng/lượng bán ra, tăng lần lượt 2,5 triệu đồng và 3,02 triệu đồng so kết phiên hôm trước. Chênh lệch mua-bán 1,5 triệu đồng.

Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 76,35-77,55 triệu đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào-bán ra ở mức 78,5-80 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 2,52 triệu đồng và 3,02 triệu đồng so chốt phiên hôm qua. Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 giao dịch mua vào 76 triệu đồng/lượng, bán ra 77,5 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng (mua vào) và 620.000 đồng (bán ra) so chốt phiên trước đó.

Vàng PNJ mua vào ở mức 76,1 triệu đồng/lượng và bán ra mức 76,98 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 200.000 đồng và 20.000 đồng so kết phiên trước đó.

Tính đến 9 giờ 30 phút sáng 18/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giảm nhẹ 7,8 USD so kết phiên hôm trước xuống mức 2.460,3 USD/ounce.

Giá vàng thế giới sáng nay giảm nhẹ do một số nhà giao dịch chốt lời sau khi kim loại quý đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại qua đêm là 2.487,40 USD/ounce.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022