Mức lương của chuyên gia tư vấn từ 1/7/2025
Từ ngày 1/7/2025, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 004/2025/TT-BNV quy định mức lương của chuyên gia tư vấn trong nước, làm cơ sở cho việc xác định giá gói thầu. Mức lương này được áp dụng cho các chuyên gia tư vấn làm việc đủ 26 ngày và được chia thành 4 mức khác nhau.
Mức lương cụ thể:
Mức 1: Không quá 70.000.000 đồng/tháng đối với một trong các trường hợp sau đây: chuyên gia tư vấn có bằng đại học, có chuyên môn được đào tạo phù hợp với chuyên ngành tư vấn và có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên trong chuyên ngành tư vấn; hoặc chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên, có chuyên môn được đào tạo phù hợp với chuyên ngành tư vấn và có từ 8 năm kinh nghiệm trở lên trong chuyên ngành tư vấn; hoặc chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh Trưởng nhóm tư vấn hoặc chủ trì tổ chức, điều hành gói thầu tư vấn.
Mức 2: Không quá 55.000.000 đồng/tháng đối với một trong các trường hợp sau đây: chuyên gia tư vấn có bằng đại học, có chuyên môn được đào tạo phù hợp với chuyên ngành tư vấn và có từ 10 đến dưới 15 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn; hoặc chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên, có chuyên môn được đào tạo phù hợp với chuyên ngành tư vấn và có từ 5 đến dưới 8 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn; hoặc chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh chủ trì triển khai một hoặc một số hạng mục thuộc gói thầu tư vấn.
Mức 3: Không quá 40.000.000 đồng/tháng đối với một trong các trường hợp sau đây: chuyên gia tư vấn có bằng đại học, có chuyên môn được đào tạo phù hợp với chuyên ngành tư vấn và có từ 5 đến dưới 10 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn; hoặc chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên và có từ 3 đến dưới 5 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
Mức 4: Không quá 30.000.000 đồng/tháng đối với một trong các trường hợp sau đây: chuyên gia tư vấn có bằng đại học, có chuyên môn được đào tạo phù hợp với chuyên ngành tư vấn và có dưới 5 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn; hoặc chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên, có chuyên môn được đào tạo phù hợp với chuyên ngành tư vấn và có dưới 3 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
Theo nội dung Thông tư, đối với dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc biệt, khả năng cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế hoặc điều kiện làm việc khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa mà chủ đầu tư hoặc bên mời thầu thấy cần thiết phải áp dụng mức lương của chuyên gia tư vấn cao hơn mức lương theo khoản 1 Điều này thì chủ đầu tư hoặc bên mời thầu xác định, báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định mức lương của chuyên gia tư vấn cao hơn, nhưng tối đa không quá 1,5 lần so với mức lương theo tháng tương ứng với tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d Khoản này.

Chuyên gia tư vấn làm đủ 26 ngày có thể nhận mức lương 70 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa: TL
Mức lương theo tuần, theo ngày, giờ
Mức lương theo tuần áp dụng đối với chuyên gia tư vấn có thời gian làm việc đủ 6 ngày, được xác định trên cơ sở mức lương theo tháng quy định tại khoản 1 Điều này nhân với 12 tháng, chia cho 52 tuần.
Mức lương theo ngày áp dụng đối với chuyên gia tư vấn có thời gian làm việc đủ 8 giờ, được xác định trên cơ sở mức lương theo tháng quy định tại khoản 1 Điều này chia cho 26 ngày.
Mức lương theo giờ áp dụng đối với chuyên gia tư vấn có thời gian làm việc dưới 8 giờ, được xác định trên cơ sở mức lương theo tháng quy định tại khoản 1 Điều này chia cho 26 ngày và chia cho 8 giờ.
Mức lương đối với chuyên gia tư vấn quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này là mức tối đa, đã bao gồm tiền lương của những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ làm việc h ưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật Lao động, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân thuộc trách nhiệm của người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân; chưa bao gồm chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý của đơn vị quản lý, sử dụng chuyên gia (nếu có), chi phí đi lại, khảo sát, thuê văn phòng làm việc, thông tin liên lạc và các chi phí khác để đảm bảo chuyên gia tư vấn thực hiện nhiệm vụ.
Thông tư này thay thế Thông tư 02/2015/TT-BLĐTBXH, trong đó mức lương cao nhất trước đây chỉ là 40 triệu đồng/tháng.
Những chứng chỉ nào có thể giúp chuyên gia tư vấn tăng cơ hội nhận mức lương cao nhất?
Để tăng cơ hội nhận mức lương cao nhất (70.000.000 đồng/tháng) theo Thông tư 004/2025/TT-BNV, chuyên gia tư vấn có thể nâng cao năng lực và mức độ chuyên môn bằng cách tích lũy một số chứng chỉ nghiệp vụ, bao gồm:
Chứng chỉ nghiệp vụ đấu thầu: Đây là chứng chỉ cần thiết để tham gia vào các tổ chức, thẩm định đấu thầu, giúp chuyên gia nắm vững các quy định và phương pháp đấu thầu.
Chứng chỉ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực tư vấn: Các chứng chỉ này có thể bao gồm chứng chỉ về quản lý dự án, chứng chỉ kỹ thuật (nếu chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực kỹ thuật) và các chứng chỉ khác liên quan cụ thể tới ngành nghề mà chuyên gia đang hoạt động.
Chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng kiến thức: Theo quy định tại Thông tư 02/2024/TT-BKHĐT, chuyên gia có thể tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức, sau đó thi và cấp chứng chỉ. Những chứng chỉ này giúp cập nhật kiến thức mới và nâng cao trình độ theo yêu cầu của pháp luật hiện hành.
Chứng chỉ khác từ các tổ chức quốc tế hoặc trong nước được công nhận: Nếu chuyên gia có các chứng chỉ từ tổ chức hoặc cơ sở đào tạo uy tín quốc tế, điều này có thể chứng minh trình độ chuyên môn cao và cải thiện khả năng cạnh tranh trong các gói thầu.
Việc sở hữu các chứng chỉ này không chỉ giúp chuyên gia tăng khả năng nhận được mức lương cao mà còn nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực tư vấn đấu thầu.