Như Chuyên trang Gia đình và Xã hội đã thông tin, ông Đinh Xuân Hồng (83 tuổi, trú tại khu 11, phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh) bức xúc, phản ánh về việc từ năm 2007 đến nay (15 năm), ông và gia đình đang bị nợ khoản tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 114 triệu đồng, cùng nơi ở tái định cư sau khi chính quyền thu hồi 10.7090 m2 đất của ông Hồng, giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án "Xây dựng khu dịch vụ tổng hợp và du lịch" tại xã Điền Công, thị xã Uông Bí (nay là xã Trưng Vương, TP Uông Bí).
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện dự án trên là Công ty TNHH Quảng Nam (nay là Công ty TNHH Cổ phần Thương mại Tổng hợp và Dịch vụ sinh thái Quảng Nam), với tổng diện tích của dự án là 21.386 m2.
Nhận đất khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính là sai nguyên tắc
Trao đổi với Chuyên trang Gia đình và Xã hội, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, việc giải phóng mặt bằng và hỗ trợ đền bù, bồi thường, tái định cư trong vụ việc trên được thực hiện vào năm 2007. Vì vậy cần đối chiếu với quy định của Luật Đất đai 2003để xác định xem thủ tục, quy trình mà Ban Đền bù, giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) đã đúng quy định hay chưa.
Theo đó, về thủ tục, trình tự giải phóng mặt bằng, công tác bàn giao mặt bằng phải được thực hiện cuối cùng, sau khi đã hoàn tất toàn bộ các thủ tục, trong đó có việc chi trả bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho những hộ dân có đất bị thu hồi.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có những nhận định, phân tích với PV Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) về vụ việc thương binh Đinh Xuân Hồng (83 tuổi, Uông Bí, Quảng Ninh) mất 15 năm đòi số tiền đền bù, hỗ trợ GPMB bị nợ và nơi ở tái định cư nhưng chưa có hồi kết.
Luật sư phân tích, trong vụ việc trên, số tiền mà Ban ĐBGPMB (đại diện là Công ty Quảng Nam) thỏa thuận sẽ bồi thường cho gia đình ông Đinh Xuân Hồng là 384.454.000 VNĐ. Tại Giấy cam kết lập ngày 23/11/2007 giữa Công ty Quảng Nam và ông Đinh Xuân Hồng cũng nêu rõ: "Sau khi công ty đã thanh toán hoàn tất các khoản tiền đền bù và giấy cấp đất trao cho ông Đinh Xuân Hồng, ông Hồng bàn giao diện tích đất trên cho công ty sử dụng".
Tuy nhiên, đến ngày 4/12/2007, Công ty Quảng Nam vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với hộ gia đình bị thu hồi đất (công ty còn nợ gia đình ông Hồng 114 triệuđồng theo như tài liệu ông Hồng cung cấp) và ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc Công ty Quảng Nam đã viết Giấy xác nhận đối với khoản nợ này.
Sau đó, Ban ĐBGPMB lập Biên bản bàn giao mặt bằng với nội dung: "Sau khi tiến hành trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Các hộ dân đã thống nhất ký biên bản bàn giao mặt bằng cho Ban ĐBGPMB thị xã với diện tích đất đã được phê duyệt theo phương án là 10.700m2. Thời gian từ ngày 4/12/2007 đến ngày 9/12/2007 các hộ dân phải bàn giao mặt bằng cho Ban ĐBGPMB thị xã Uông Bí".
Ông Đinh Xuân Hồng (83 tuổi) phản ánh tới phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống).
Sau đó, đến ngày 25/01/2008, UBND thị xã Uông Bí đã ban hành Văn bản số 79/UBND "v/v kết quả giải phóng mặt bằng", trong nội dung xác nhận "chủ đầu tư hoàn thành 100% công tác bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trong phạm vi xin thuê đất (giai đoạn 1) khu đất dự án đến nay không còn vướng mắc". Sau đó, Công ty Quảng Nam đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp GCNQSDĐ ngày 23/5/2008.Trong khi đó, theo ông Hồng phản ánh, trên thực tế gia đình ông Hồng vẫn không nhận được đủ khoản tiền bồi thường nào từ phía Công ty Quảng Nam, cũng không được bố trí nơi ở mới.
Hàng loạt thực khách tố bị đau bụng, nhiễm trùng đường ruột sau khi ăn lẩu, Haidilao vẫn chưa có câu trả lời thỏa đángĐỌC NGAY
Như vậy, về nguyên tắc, người dân phải được nhận toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ rồi mới tiến hành bàn giao đất cho chủ đầu tư. Theo đó, Công ty Quảng Nam nhận mặt bằng từ ông Hồng khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (chưa chi trả đủ số tiền bồi thường, hỗ trợ) là không đúng quy định.
Tuy nhiên, bằng sự "thỏa thuận khéo léo" với người dân qua việc viết Giấy cam kết của ông Nguyễn Ngọc Hải (Giám đốc Công ty Quảng Nam) để người dân đồng ý bàn giao đất, cho nên mọi thủ tục trong bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án sau đó đều được thực hiện đúng quy định và khó có căn cứ để người dân thực hiện khiếu nại.
Cam kết của Công ty Quảng Nam là giao dịch dân sự vô hiệu
Về nội dung trả lời trong Văn bản của UBND TP Uông Bí khi cho rằng những "việc thỏa thuận cam kết của Công ty Quảng Nam với gia đình trong việc làm giấy tờ sử dụng đất là việc thỏa thuận dân sự", luật sư Tiền cho rằng, để xác định được nội dung trên đúng hay sai phải căn cứ vào bản chất của giao dịch ban đầu giữa Công ty Quảng Nam và ông Đinh Xuân Hồng.
Cụ thể, theo Giấy cam kết những điều đã thoả thuận lập ngày 23/11/2007 giữa Công ty TNHH Quảng Nam và ông Đinh Xuân Hồng có nêu: "Công ty nhận chuyển nhượng của ông Đinh Xuân Hồng 10.700m2…". Mà theo quy định tại Điều 697 Bộ luật dân sự 2005, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành hợp đồng theo sự thoả thuận giữa các bên là bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng; còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của bộ luật này và pháp luật về đất đai.
Luật sư Trần Xuân Tiền khẳng định, những cam kết của Công ty Quảng Nam đối với ông Đinh Xuân Hồng là giao dịch vô hiệu, do không lập Hợp đồng chuyển nhượng, vi phạm pháp luật dân sự và đất đai (về cả hình thức mua bán quyền sử dụng đất và thoả thuận bồi thường).
Giao dịch trên không được lập Hợp đồng chuyển nhượng, vi phạm pháp luật dân sự và đất đai (về cả hình thức mua bán quyền sử dụng đất và thoả thuận bồi thường) nên đây là giao dịch dân sự vô hiệu. Căn cứ Điều 137 Bộ luật dân sự 2005, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
Mặt khác, thành phần của Ban ĐBGPMB lúc đó không chỉ có Công ty Quảng Nam mà còn gồm đại diện của UBND TX Uông Bí và UBND xã Điền Công. Như vậy, có thể thấy rõ, mọi thoả thuận của hộ gia đình ông Hồng với Công ty Quảng Nam đều có sự giám sát của chính quyền địa phương. Việc UBND các cấp cho phép doanh nghiệp xác lập giao dịch dân sự mang tính chất hành chính - công vụ như trên là thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình.
Công ty Quảng Nam cam kết làm sổ đỏ 300m2 đất ao cho dân là sai quy định pháp luật
Cũng theo quy định tại Điều 143 Luật Đất đai 2003, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
Theo đó, luật sư cho rằng, không chỉ Chủ tịch UBND xã Điền Công mà cả Chủ tịch UBND TP Uông Bí đều có trách nhiệm giám sát, quản lý việc chấp hành pháp luật về đất đai tại địa phương của cá nhân, tổ chức. Nếu trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp có những thỏa thuận sai lệch phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, lừa dối người dân thì phải đưa ra hình thức xử lý để bảo vệ người dân, chứ không thể thoái thác trách nhiệm, cho đó là thỏa thuận dân sự và yêu cầu người dân liên hệ với doanh nghiệp để giải quyết.
Ngoài ra, về vấn đề bố trí tái định cư, tại Giấy cam kết lập ngày 23/11/2007 và văn bản thoả thuận thêm, lập ngày 21/10/2010, Công ty Quảng Nam đều xác nhận đã nhận chuyển nhượng từ ông Đinh Xuân Hồng 10.700 m2 đất và nêu rõ: "...Công ty có trách nhiệm đổ đầy đất vào 300m2 đất ở tái định cư, và san gạt để có thể xây nhà được"; "Sau khi công ty đã thanh toán hoàn tất số các khoản tiền đền bù và giấy cấp đất cho ông Đinh Xuân Hồng, ông Hồng bàn giao diện tích đất trên cho công ty sử dụng"…
Mặc dù Công ty Quảng Nam không có quyền và không thể tiến hành làm GCNQSDĐ đối với phần đất trên nhưng vẫn đưa ra đề nghị này để ông Hồng tin tưởng và giao đất cho công ty. Đây là giao dịch dân sự trái pháp luật như đã nêu.
Biển bảng của công ty Quảng Nam tại Dự án "Xây dựng khu dịch vụ tổng hợp và du lịch" tại xã Điền Công, thị xã Uông Bí (nay là xã Trưng Vương, TP Uông Bí).
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 42 Luật đất đai 2003 quy định: "Người bị thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi". Tuy nhiên, trong vụ việc trên, Ban GPMB lại không bố trí tái định cư cho ông Hồng mà lại hứa hẹn sẽ đổ đất vào 300m2 đất ao (phần đất còn lại không bị thu hồi) để ông Hồng có thể xây dựng nhà và sinh sống trên đất. Đồng thời sẽ chuyển đổi 300m2 đó thành đất ở và làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoàn toàn sai theo quy định của pháp luật đất đai.
Về chi tiết số tiền bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình ông Hồng bị nhầm từ 114.000.000 đồng thành 14.000.000 đồng, luật sư Trần Xuân Tiền nhận định, có thể do việc bồi thường bị trì hoãn trong thời gian quá dài nên ông Hải (nguyên Giám đốc Công ty Quảng Nam) đã có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, xét thấy toàn bộ các thông tin liên quan đến khoản tiền bồi thường còn lại là 114.000.000 đồng và các nghĩa vụ khác đã được Công ty Quảng Nam cam kết rõ ràng với ông Đinh Xuân Hồng, có lập văn bản, có chữ ký, con dấu rõ ràng của Công ty Quảng Nam… cho thấy, đây có thể là hành vi cố ý làm sai lệch số tiền bồi thường, nhằm giảm bớt số tiền phải hoàn trả cho hộ gia đình bị thu hồi đất, có dấu hiệu lừa dối người dân.
Chứng kiến phần diện tích đất bị thu hồi vẫn đang bị bỏ hoang, không ai sử dụng, khai thác, không có dấu hiệu của việc thực hiện dự án "Xây dựng khu dịch vụ tổng hợp và du lịch", ông Đinh Xuân Hồng càng thêm đau lòng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của ông.
Cần thanh tra, kiểm tra dự án hơn 10 năm không triển khai gây lãng phí tài nguyên đất
Sự việc trên đã kéo dài 15 năm, gây bức xúc, phẫn nộ cho người dân, hơn nữa hộ gia đình ông Hồng là gia đình có công với cách mạng, ông Hồng là thương binh - đối tượng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, gây bức xúc cho các hộ dân mà tình trạng "treo" dự án cũng gây lãng phí, thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.
Việc để dự án nằm "chết" hơn chục năm, giá trị đất đai lớn nằm tồn đọng, gây lãng phí, kéo theo hàng loạt những ảnh hưởng khác liên quan đến đời sống phát triển chung của thành phố, đất nước như vấn đề về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật… Do đó, luật sư Trần Xuân Tiền nhận định, chính quyền địa phương và các cá nhân, tổ chức có liên quan cần khẩn trương xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan nếu thiếu trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng như trong công tác quản lý đất đai, gây lãng phí đất và thiệt hại cho người dân.
GiadinhNet - Mặc dù việc thu hồi đất, giao đất diễn ra từ năm 2007 nhưng đến nay, cụ Đinh Xuân Hồng không những bị nợ tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng mà còn vẫn chưa được bố trí nơi ở tái định cư.