UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án thí điểm cấm ô tô trên 16 chỗ hoạt động, trừ xe buýt, xe đưa đón học sinh tại khu vực hồ Gươm, phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Thời gian thực hiện bắt đầu từ 1/3, tại các khung giờ từ 6h30 - 8h30 và 16h30 - 18h30. Văn bản nêu rõ sau 6 tháng, Sở GTVT Hà Nội sẽ đánh giá hiệu quả, báo cáo thành phố xem xét quyết định.
Tuyến đường hạn chế xe trên 16 chỗ gồm trục Hàng Giấy - Đồng Xuân - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng; trục Hàng Đậu - Trần Nhật Duật - Nguyễn Hữu Huân trở vào trong khu vực phố cổ Hà Nội và các tuyến phố Lý Quốc Sư, Nhà Thờ, Nhà Chung, Quang Trung (đoạn Tràng Thi tới Nhà Chung), Ấu Triệu, Báo Khánh, Hàng Trống, ngõ Hàng Hành, ngõ Bảo Khánh.
Theo UBND TP Hà Nội, việc cấm ô tô trên 16 chỗ hoạt động tại các khu vực ở quận Hoàn Kiếm sẽ góp phần giảm ùn tắc trong khu phố cổ, góp phần cải thiện môi trường, giảm lượng phát thải.

Xe trên 16 chỗ vào phố cổ gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Thạch Thảo
Trao đổi với VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng trong một số khu phố cổ, Hà Nội hướng tới tạo ra không gian xanh, sạch theo đó từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng…
Ông Tạo cho rằng các vùng lõi, trung tâm chính trị hướng tới mục tiêu phát thải thấp thì cần hạn chế phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng dịch vụ công cộng.
“Việc hạn chế một số khung giờ là bước đầu tiên, tiến tới trong tương lai cấm toàn bộ, chỉ có những trường hợp đặc biệt mới được vào chứ không nên để các phương tiện ra vào tự do”, ông Tạo nói.
Ông Tạo thừa nhận việc cấm xe trên 16 chỗ vào phố cổ sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm du lịch, một số hộ dân kinh doanh buôn bán… Để giải quyết tình trạng này, ông Tạo cho rằng nên có các phương tiện giao thông công cộng cỡ nhỏ (xe điện) trung chuyển khách du lịch.
“Giá vé nên được tính như xe buýt. Các trung tâm lữ hành muốn đưa khách vào trong vùng lõi nên có sự phối hợp để thực hiện. Bởi, xe to vào phố gây tắc nghẽn, du khách phải ngồi lâu trên ô tô cũng sẽ mệt mỏi, khó chịu.
Thay vào đó, đến điểm trung chuyển, du khách được chuyển sang phương tiện nhỏ hơn, thân thiện với môi trường vừa đi vừa ngắm phố phường Hà Nội về khách sạn nghỉ cũng là trải nghiệm tốt. Tôi cho rằng đây là chủ trương đúng nhưng cách thức thực hiện thì cần tính toán cụ thể”, ông Tạo nói.
Chung quan điểm này, ông Dương Văn Tiến, CEO Công ty cổ phần dịch vụ Lalago đánh giá, việc hạn chế xe từ 16 chỗ trở lên vào phố cổ Hà Nội sẽ giúp giảm áp lực giao thông.
“Chắc chắn, việc giới hạn các xe từ 16 chỗ trở lên giúp giảm rõ rệt tình trạng ùn tắc ở khu vực phố cổ, nơi đường phố hẹp, cơ sở hạ tầng hạn chế.
Quy định này cũng sẽ cải thiện môi trường và trải nghiệm: Không gian phố cổ thoáng đãng hơn, môi trường được cải thiện, trải nghiệm tham quan cho du khách theo hình thức đi bộ hoặc xe nhỏ sẽ chất lượng hơn. Đồng thời bảo vệ cảnh quan, di sản: Phố cổ được bảo vệ tốt hơn khỏi tác động tiêu cực của xe lớn như ô nhiễm, rung lắc gây hư hại kiến trúc cũ…”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người làm du lịch, ông Tiến cho biết bên cạnh mặt tích cực cũng có những ảnh hưởng nhất định từ việc hạn chế xe từ 16 chỗ trở lên vào phố cổ Hà Nội.
“Các doanh nghiệp lữ hành phải tăng cường sử dụng phương tiện nhỏ hơn hoặc trung chuyển, làm tăng đáng kể chi phí logistics và giảm lợi thế cạnh tranh du lịch”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến dẫn kinh nghiệm tại Ý, chính quyền Thành phố Venice cấm hoàn toàn xe lớn vào trung tâm lịch sử, sử dụng hệ thống bến xe ngoại vi với các phương tiện nhỏ hoặc di chuyển bằng tàu thuyền.
Tương tự tại Amsterdam (Hà Lan), quốc gia này cũng sử dụng xe buýt nhỏ và xe điện phục vụ khách đoàn, hạn chế các loại xe du lịch lớn để bảo vệ khu vực trung tâm lịch sử.
Còn tại Tokyo, Nhật Bản, chính quyền hạn chế xe lớn theo từng khung giờ cụ thể, ưu tiên xe nhỏ và xe điện, mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo tồn cảnh quan và giảm ùn tắc.
Từ kinh nghiệm này, ông Tiến đề xuất Hà Nội cần thiết lập các điểm trung chuyển bằng cách nhanh chóng xây dựng các điểm dừng xe lớn ở ngoại vi phố cổ, kết hợp xe điện nhỏ hoặc xe buýt mini đưa du khách vào bên trong. Đồng thời xem xét nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt thời gian hạn chế, thay vì cấm triệt để, có thể áp dụng giờ hạn chế linh hoạt theo khung giờ thực tế du lịch, chẳng hạn từ 7h-9h và 17h-19h hàng ngày.
Được biết, để hỗ trợ người dân và du khách đi lại thuận tiện, thành phố sẽ bố trí 4 điểm trung chuyển theo các hướng của khu vực hạn chế trên các tuyến phố Bà Triệu, Trần Nhật Duật, Phùng Hưng và khu vực chợ Đồng Xuân. Hiện Quận Hoàn Kiếm đang làm việc với các đơn vị vận tải để giảm giá cước cho người dân khi đi xe trung chuyển.